Bức tranh kỳ thú về làng gốm Vinh Long

Gốm Vĩnh Long - GSV Travel

Làng gốm Vĩnh Long nằm dọc bờ sông Cổ Chiên, với hàng nghìn lò gạch, lò gốm chen chúc nhau như nấm sau mưa, nối dài hàng chục km tạo thành một bức tranh kỳ thú, trông xa tựa những lâu đài rực đỏ dưới ánh mặt trời. Bởi thế mà du khách du lịch miền Tây Nam Bộ còn phong cho Làng gốm Vĩnh Long là “vương quốc đỏ”.

Dòng Cửu Long đỏ nặng phù sa, đổ về hạ lưu bằng hai nhánh sông Tiền, sông Hậu, hàng năm mang đến cho đồng bằng Nam Bộ hàng triệu mét khối phù sa. Không chỉ bồi đắp cho những đồng lúa bạt ngàn, những miệt vườn bốn mùa hoa trái, những dòng phù sa tụ lại Vĩnh Long còn góp phần hình thành cho nơi đây những mỏ đất sét quý giá. Và người dân nơi đây đã biến chúng thành những làng gạch, làng gốm nổi danh.

Gốm Vĩnh Long - GSV Travel

Khởi đầu Làng gạch Vĩnh Long

Nghề làm gạch, ngói có mặt ở Vĩnh Long từ rất sớm, trải dài gần 30 km thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít. Lúc bấy giờ nghề còn thịnh, mỗi nhà có đến hai ba miệng lò. Đến mùa nung các cột khói trắng ngút trời, tạo ra vô vàn sản phẩm tỏa đi khắp nơi, mang đến cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây.

Thời này, Vĩnh Long tự hào về một tài nguyên đất sét đặt biệt mà không vùng nào có, hình thành nên làng nghề gạch lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người dân nơi đây sinh ra đã gắn bó với nghề, qua bao thế hệ họ đã đúc kết thành kỹ thuật nung điêu luyện chỉ bằng lò gạch, nhiên liệu là trấu, và một số sản vật quen thuộc với vùng lúa nước.

Tuy nhiên, qua thời gian, khi các kỹ thuật và hệ thống lò công nghệ cao được đầu tư thì các lò gạch truyền thống ở Vĩnh Long dần đi vào quên lãng. Mặc dù dọc kênh Thầy Cai ở Mang Thít hiện vẫn còn hàng trăm lò gạch nằm san sát nhau nhưng hầu như đã rêu phong, bám bụi. Nhìn từ trên cao những lò nung gạch đỏ cao vút ngày nào, nay phủ màu thời gian trông như một ngôi làng cổ tích.

Làng gốm Vĩnh Long tiếp bước

Tuy hình thành muộn, chỉ ngoài 20 năm, nhưng Làng gốm Vĩnh Long đã tiếp bước thành công làng gạch xưa kia, để tạo nên danh tiếng nhờ những đặc trưng riêng, đó là dòng gốm đỏ không men. Gốm Vĩnh Long có màu đỏ tự nhiên, sau khi nung ửng còn có lớp phấn trắng phơn phớt bên ngoài độc đáo. Gốm chắc, bền, màu sắc bắt mắt, dần được thị trường nội địa ưa chuộng, và thu hút sự quan tâm của cả thị trường quốc tế, mở đường cho xuất khẩu.

Ngày nay, Làng gốm Vĩnh Long đang trở nên sôi động với hàng chục ngàn lao động, và trở thành một trong những dòng sản phẩm mũi nhọn của tỉnh. Du khách tour du lịch miền Tây giá rẻ đến thăm làng gốm, xa xa đã thấy những làn khói bốc lên. Dọc tỉnh lộ, xe tải đủ loại nằm chờ hàng, công nhân thì tất bật khuân vác. Trong xưởng, thợ in, xu, chà cần mẫn làm việc. Vài nghệ nhân ngồi đăm chiêu “vọc đất”, tìm ý tưởng cho mẫu gốm mới: một nét phá cách, một tác phẩm trừu tượng, hay một thôn nữ miệt sông nước trong trẻo và thánh thiện…

Ngoài ra, Làng gốm Vĩnh Long còn có công trình kiến trúc đặc sắc gần như có một không hai ở Việt Nam, đó là nhà gốm. Toàn bộ ngôi nhà, từ mái, hàng rào, những bức phù điêu, tường, cho đến cả những vật dụng bên trong như bàn ghế, đi-văng… đều làm hoàn toàn bằng gốm. Từng cấu kiện được nung riêng, chuyển đổi màu để nhấn mạnh nét đậm, nhạt theo ý muốn, sau đó mới lắp ráp lại khi xây dựng. Nhờ vậy, nhà gốm tưởng như dễ vỡ nhưng lại vững chắc và sắc màu hòa quyện. Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng sự tài hoa, công phu, tỉ mỉ của những người thợ gốm.

Người dân xứ này hiếu khách, do đó đến đây tham quan không cần hẹn trước, đi ngang qua lò gốm nào thấy sinh hoạt náo nhiệt thì cứ ghé lại thăm. Tại đây, bạn có thể xem từng công đoạn để làm ra các sản phẩm gốm mỹ nghệ, từ nặn tượng, đổ khuôn cho đến khi đưa vào lò nung… thấy thích sản phẩm nào thì có thể mua về làm quà hoặc để trang trí trong nhà.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *