Chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đầy huyền ảo của hồ Noong

Hồ Noong - GSV Travel

Hồ tọa lạc trên dãy núi Tây Côn Lĩnh thuộc địa phận xã Phú Linh, Vị Xuyên, Hà Giang thuộc Đông Bắc Việt Nam. Hồ được khai tạo từ thuở sơ khai, có diện tích mặt nước hơn 20ha (vào mùa cạn), khoảng 80ha (vào mùa mưa), bao quanh là những dãy núi đá, núi đất và rừng nguyên sinh bao trùm rộng tới trên 700ha.

Hồ Noong có từ lâu đời, được trải rộng thuộc bản Noong I, bản Noong II. Hồ có diện tích 36ha và vào mùa nước nổi mực nước của hồ rộng đến 60ha, sống trên mặt nước và dưới lòng hồ có rất nhiều động, thực vật sinh sống tạo nên sự phong phú, góp phần tô thắm thêm sự đa dạng cho Hồ Noong.

Hồ Noong - GSV Travel

Nguồn nước cung cấp cho Hồ Noong là những khe nước ngầm trong hang đá từ hai dãy núi của cánh rừng nguyên sinh nơi Hồ Noong uốn mình tựa vào vách núi, ngoài ra còn có ba hang nước ngầm nối với dòng sông Lô. Chính vì vậy mỗi khi nước dâng vào mùa mưa có những đàn cá ngược dòng sông Lô bơi theo dòng nước tràn lên vào trú ngự với Hồ Noong. Cá sinh sống ở Hồ Noong bao gồm rất nhiều loài, có cả cá da trơn và các loài cá chỉ có nơi đây mới có. Các loài cá ở đây sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên với nhiều loài sống đông đúc tạo thành một quần thể sinh động gồm: cá Chép, cá Diếc, cá Nheo, cá Trê, cá Đắng. Riêng đối với loài cá Đắng có thể nói không đâu có, loài này sinh sống chỉ duy nhất ở Hồ Noong. Cá Đắng thường sống thành từng đàn và xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm đó là lúc phát triển nhất của loài cá này. Thức ăn chủ yếu của loài cá Đắng là rong, rêu các loại thực vật sống dưới lòng hồ, và loại lá cây mà loài cá này thích ăn nhất là lá Bồ hòn (tiếng địa phương gọi là Bầư mạy ẳn). Khi dừng chân tại đây du khách tour Hà Nội Hà Giang muốn được thưởng thức hương vị thơm ngon, vị đắng ngọt của món ăn cá Đắng với nhiều kiểu chế biến như: kẹp vào nướng, món cá rán hoặc nấu canh chua với loại rau quả lá chua, măng chua, dưa chua và khế, điều đặc biệt là khi chế biến cá Đắng thì người ta không mổ.

Nếu ai đã một lần đến với Hồ Noong thì sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn nơi đây mà thiên nhiên đã ưu đãi cho Hồ Noong đó là vẻ đẹp của những cánh rừng nguyên sinh và núi đá vôi ở hai bên bờ hồ có diện tích khoảng 101,9ha tạo thành vách bờ của Hồ Noong, hình thành nên địa thế cho Hồ lúc như vầng trăng, lúc như con mãnh long vòi cuồn cuộn sóng nước vào mùa lũ. Nước của Hồ Noong được thoát chảy theo dòng chảy tự nhiên theo khe suối ngầm qua dãy núi đá rồi đổ về ao Xu (thuộc địa phận xã Phú Linh) rồi thoát ra suối Pà (đằng sau trụ sở UBND xã Phú Linh).

Hồ Noong do hình thành từ 2 đầm lầy Pum Áng và Pum Yệu, hai đầm tạo thành hồ có lớp bùn dày 2 mét và do có nguồn nước ngầm từ khe đá trong núi chảy ra nên hồ không bao giờ cạn nước. Đến mùa khô nước đọng lại ở hai đầm nên những diện tích đất giữa hồ còn lại qua thời gian đã mọc lên những cây “May ẳn” (gọi theo tiếng của người địa phương). Đây là một loại cây sống thích nghi ở những vùng đầm lầy ngập nước, rễ và hốc cây chính là nơi trú ẩn của các loài cá, nhất là đối với cá trê. Khi nước hồ dâng cao Hồ Noong trở nên “Duyên dáng hơn”, bởi những hàng cây xanh ở giữa hồ như những “Non bộ”, khoác lên cho hồ một tấm áo tạo nên không gian huyền bí. Người dân ở đây có truyền thuyết cho rằng trong đầm có con ếch thần, nên coi Hồ Noong cũng là một nơi linh thiêng, cần giữ vẻ tôn nghiêm. Theo lời kể của những cụ bô lão trong làng cứ vào tháng 8 âm lịch là diễn ra lễ hội bắt cá ở Hồ Noong, các trưởng bản (kỳ mộc), Chánh tổng của xã Phú Linh, Kim thạch, Linh Hồ, Phương Thiện, Phương Độ và xã Đạo Đức họp bàn rồi quyết định mở hội cho dân 6 xã tháo hồ bắt cá và khi tham gia bắt cá mọi người phải tuân thủ 3 điều cấm: thứ nhất là không được bỏ cá vào bao tải, túi, xoong, nồi mà chỉ được bỏ cá vào giỏ, thứ hai không được chửi bới nhau khi đang bắt cá, thứ ba không được nướng cá tại bờ hồ. Nếu ai vi phạm điều cấm sẽ bị nộp phạt bằng hiện vật như: thịt lợn, gạo, ruợu mỗi thứ 30 kg.

Hiện nay, Hồ Noong đang được con người tận dụng để khai thác thuỷ sản, cũng là nơi tiềm năng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Bên bờ phía tây của hồ có 40 hộ dân sinh sống và làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Có thể thấy Hồ Noong là một thế mạnh đem lại lợi ích kinh tế cho người dân nơi đây vừa có thể khai thác được nguồn thuỷ sản đồng thời kết hợp với việc phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái. Để làm được điều ấy cần có các giải pháp hợp lý, đảm bảo môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên của hồ. Vì đến nơi đây du khách được thưởng thức bầu không khí trong lành hoà quyện với “hương đồng gió nội”, ngắm những giải khói lam triều ẩn hiện bên những tán cây từ những ngôi nhà sàn của người dân tộc Tày như những sợi tơ mỏng , nhẹ nhàng bay theo gió về trời vào những buổi chiều buông sắc tím, tiếng mõ trâu văng vẳng nơi xa, tiếng lục lạc của đàn dê, tất cả những điều ấy tạo nên vẻ đẹp, sự yên bình của một vùng quê. Không những thế, khi đến nơi đây du khác sẽ cảm nhận cái nét nhân văn, đưa con người thoát khỏi trần tục, rũ sạch những bụi trần, với những tiếng chuông chùa trầm vang cả một cõi thiền của chùa Bình Lâm. Những màu sắc và âm hưởng của một vùng quê đang hoà quyện vào nhau đón lấy sự sống của đất trời ban tặng.

Chùa Bình Lâm nằm trên một bãi đất cao có tên là đồi Pom Mèo giữa cánh đồng bằng phẳng thuộc địa phận thôn Tông Mường. Theo lời kể của các cụ cao niên xã Phú Linh: cho đến nay chùa Bình Lâm được di chuyển đến 2 địa điểm khác nhau. Chùa Bình Lâm có ngôi nhà bảo vệ tạm thời nằm trên đồi Pom Mèo. Mặt quay hướng tây đối diện là đồi Phù Khà (còn gọi là đồi Gianh) phía đông giáp với đồi Pù Nà Thà; phía nam giáp với đồi Pù Khâu Min và Hồ Noong; phía Bắc giáp với khu dân cư và trường PTCS Tân Trào – Phú Linh. Chùa Bình Lâm nằm về phía tả ngạn Sông Lô. Kiến trúc nguyên bản của chùa Bình Lâm không còn nữa, vì các di tích kiến trúc nghệ thuật của nước ta trước đây chủ yếu làm bằng gỗ và chùa Bình Lâm trước đây cũng được xây dựng bằng gỗ một thứ vật liệu không phải là vĩnh cửu. Di tích chùa Bình Lâm cũng nằm trong tình trạng như vậy, phải thường xuyên chịu sự tác động của thiên nhiên. Tuy nhiên, chùa Bình Lâm cũng được cổ vật là quả chuông được đúc từ thời nhà Trần, cùng một số di vật tiêu biểu cho nền văn hoá thời Trần như: tháp đất nung, mái ngói, cùng một số hoạ tiết văn hoa tranh bằng đất nung được tìm thấy tại khu vực nền chùa Bình Lâm, ở bên ngoài quả chuông được khắc chìm 309 chức Hán còn tương đối rõ với những nội dung của chùa và những ý nghĩa sâu xa của cõi phật như: “Xét ra, trời đất cao rộng, bao la hỗn độn mà làm chúa tể, dung nạp hết những cơ chưa ló; muôn vàn hiện tượng lặng lẽ theo nhau, không ngưng kết ở chỗ nào; hiển hiện chỗ dùng mà thâu tóm vạn vật, viên thông cả pháp giới, chiếu sáng khắp mười phương, vô từ làm thông tỏ những trở ngại, lặng lẽ mà kết hợp; đập đá thổi lửa, dò tìm bông lan trong lò lớn, gióng chuông mà thức nhà nông; những kẻ được khai mở cõi lòng, cùng nhau bàn luận căn cốt của nguồn dòng; mở rộng ra là ở 4 ơn, nguyện cứu chúng sinh như biển sâu…” Quả chuông chùa Bình Lâm từ kiểu dáng đến hoạ tiết hoa văn trang trí mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật trang trí thời Trần. Đây là bằng chứng sinh động phản ánh sự thống nhất văn hoá trên lãnh thổ Đại Việt dưới Triều Trần, từ kinh thành Thăng Long đến vùng biên cương xa xôi hẻo lánh là Hà Giang.

Đến với Hồ Noong, ngoài sự chìm đắm trong vẻ đẹp tự nhiên, du khách tour Hà Giang 3 ngày còn được khám phá nét đẹp về văn hoá của 6 dân tộc nơi đây gồm dân tộc Tày, Giấy, Dao, Ngạn, Mông, Kinh. Trong đó dân tộc Tày chiếm đa số (chiếm 60%), đến đây ta được thưởng thức những vẻ đẹp của những ngôi nhà sàn được kiến trúc theo bản sắc dân tộc. Đến với Hồ Noong xã Phú Linh chúng ta sẽ cảm nhận được nét đẹp của con người cảnh sắc thiên nhiên nơi đây, cùng với những ngôi nhà sàn của dân tộc Tày, ẩn hiện sau những rặng cây bên sườn núi, những ruộng bậc thang uốn lượn “ôm chặt chân núi tạo thành những mầm hoa” của đất trời và rực rỡ ánh vàng khi mùa lúa chín, tiếng cười vui, ca hát rộn lên hoà quyện trong không khí lao động sản xuất của người dân, như đang mời gọi du khách hãy đến nơi đây dù chỉ một lần, một lần thôi với Hồ Noong để rồi nhớ, rồi thương, để đáp lại ân tình của thiên nhiên ban tặng cho Hồ Noong và cảm nhận nét nhân văn, tình người, nét văn hoá đặc sắc của người dân nơi đây.

Hồ Noong được hình thành từ lâu lắm rồi, cùng với tên đất, tên làng “Bản Noong” đã có từ bao đời nay, những con người vẫn luôn miệt mài với ruộng nương cần mẫn, dải khói lam chiều hoà lẫn trong những hàng cây cộng hưởng với tiếng cười trẻ thơ càng tô điểm thêm nét đẹp duyên dáng cho Hồ Noong. Những cô gái dân tộc Tày duyên dáng trong trang phục màu chàm đen, huyền bí, nụ cười thẹn thùng bẽn lẽn đã làm say lòng bao chàng trai, tiếng sáo, tiếng hát của những chàng trai tha thiết trong những đêm trăng bên bờ hồ cũng vậy như dẫn lối chỉ đường rồi siết chặt lấy bao trái tim những người con gái để quên lối về. “Men say” được tiếp nối bao đời được hình thành nên những câu chuyện của bao già làng, trưởng bản trong tiếng hát then, hát cọi, hát lượn, và đến nay nó lại càng nồng nàn thắm đượm hơn, đem đến cho du khách nét văn hoá dân gian dân tộc, nét đặc sắc của những vùng quê miền núi. Những nét văn hoá truyền thống của các dân tộc nơi đây sẽ giúp cho du khách khi đến Hồ Noong và khi trở về càng thấy hấp dẫn và ý nghĩa hơn, để rồi Hồ Noong mang vẻ đẹp nguyên sơ của vùng quê yên bình, mà những vẻ đẹp thiên nhiên ấy vốn chỉ dành riêng cho Hồ Noong, đó sẽ là nơi hấp dẫn cho phát triển du lịch của địa phương.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *