Đầu xuân du lịch Yên Tử

Du lịch Yên Tử - GSV Travel

Cách Hà Nội khoảng 125km, du khách chỉ mất hơn 3h đi xe ô tô để đến được Khu Danh thắng núi Yên Tử thuộc thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. Hội xuân Yên Tử hằng năm diễn ra từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Hội xuân bao gồm các khu chợ xuân dưới chân núi và các hoạt động lễ bái suốt dọc đường lên đỉnh thiêng Yên Tử.

Kết thúc mùa lễ hội năm 2013, theo tổng kết có 2,1 triệu lượt khách đến với Yên Tử. Nhưng con số này sẽ còn vượt xa hơn nữa trong năm 2016 vì ngay trong ngày khai hội năm 2014 ước tính đã có khoảng gần 7 vạn khách từ khắp nơi đổ về vùng non thiêng để lễ Phật và chiêm bái cảnh chùa.

Trước đây, mỗi khi hành hương, du khách du lịch Yên Tử phải vượt qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi trên quãng đường dài khoảng 6km để lên tới đỉnh núi. Những năm gần đây, Ban Quản lý khu danh thắng Yên Tử đã cho đưa vào sử dụng 2 tuyến cáp treo phục vụ giúp đỡ khách hành hương cả về thời gian và công sức, để ai cũng có thể thực hiện tâm nguyện một lần được chiêm bái tại chùa Đồng. Tuyến 1 dài 1204m, độ cao 50m – 450m từ chùa Giải Oan lên khu vực chùa Hoa Yên. Tuyến 2 dài 897m, độ cao 534m – 964m từ chùa Một Mái đến khu vực tượng đá An Kì Sinh. Sau đó, Quý khách mất khoảng 1 giờ đồng hồ nữa để lên tới Chùa Đồng.

Du lịch Yên Tử - GSV Travel

Nếu du khách muốn tự mình vượt qua quãng đường từ Chùa Giải Oan lên tới Chùa Đồng với những khúc cheo leo, hiểm trở nhưng tràn ngập cảnh sắc thiên nhiên đẹp như chốn tiên cảnh để lên với Đức Phật thì sẽ phải len lỏi qua bạt ngàn rừng trúc, rừng thông, vượt qua Suối Giải Oan.

Truyền thuyết kể rằng, sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông chọn Yên Tử làm nơi tu hành, có rất nhiều cung tần mỹ nữ khuyên can ngài trở về cung nhưng không được, nên họ đã trầm mình xuống suối tự vẫn. Với tấm lòng nhân hậu và thương cảm cho thân phận của các cung nữ, Vua Trần Nhân Tông đã cho lập một ngôi chùa siêu độ bên cạnh dòng suối, nên suối có tên là Giải Oan.

Tiếp tục hành trình, du khách du lịch Yên Tử phải vượt qua “đường Tùng”, dốc Lò Rèn, rồi tới khu mộ Tháp Tổ. Tháp Tổ (Huệ Quang Kim tháp) nằm trong Lăng Quy Đức cao 6 tầng, bên trong tháp thờ tượng Trần Nhân Tông bằng đá cẩm thạch ngồi thiền. Cả tháp và tượng đều được xác định có niên đại thời Trần, được dựng sau khi vua Trần Nhân Tông qua đời (thế kỷ XIV) và được các đời sau tu bổ. Tượng cao 62cm, khoảng cách rộng giữa hai đầu gối là 50cm. Tượng được tạc trong tư thế ngồi, hai chân xếp bằng, chân trái xếp chồng lên chân phải, thế “liên hoa tọa” (ngồi hình hoa sen). Hai tay tượng để lên bàn chân và đùi gần đầu gối. Các ngón của hai bàn tay đều co, duy ngón trỏ và ngón giữa để thẳng trong tư thế niệm chú. Đầu tượng không mũ, không tóc, mặt trái xoan, cân đối, mũi to, môi dày, nhân trung sâu, mắt hơi lõm sâu dưới hai quầng nguyệt mi cong. Thân tượng khoác áo cà sa được diễn tả bằng những nét mềm mại, khoáng đạt, áo khoác ở bên vai trái, để lộ một phần ngực và vai phải. Hoa văn trang trí trên tượng tập trung trên diềm của áo. Đó là loại hoa văn dây và mỗi bông hoa là một bông sen cách điệu. Các hình trang trí trên bệ bao gồm rồng hoa cúc và mây xoắn. Tượng Trần Nhân Tông đặc biệt quý hiếm vì đây là một trong số ít những tượng có từ thời Trần miêu tả nhiều nét chân dung thực của nhân vật, điều mà hơn một thế kỷ sau các pho tượng khác mới đạt được. Tượng Trần Nhân Tông cũng là pho tượng hậu Phật sớm nhất được tìm thấy. Tượng đồng Trần Nhân Tông đặt trên đỉnh Yên Tử mô phỏng nguyên mẫu từ mô hình của pho tượng này.

Du lịch Yên Tử - GSV Travel

Bên ngoài khu Tháp Tổ có những cây đại cổ thụ, tuổi đời lên đến 700 năm, tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên núi tu hành. Trong khu vực Tháp Tổ, hai bên tháp có hai giếng nước tự nhiên được coi là “mắt rồng” linh thiêng. Theo một nhánh rẽ, đi một quãng đường ngắn là đến thác Ngự Dội, vào mùa mưa nước tuôn trắng xóa, tạo nên cảnh tượng độc đáo. Ngoài ra còn có 97 ngọn tháp là những tháp mộ của các nhà sư tu hành và qua đời tại Yên Tử.

Tiếp tục lên cao, Chùa Hoa Yên nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển. Chùa Hoa Yên còn được gọi là Chùa Cả, Chùa Phù Vân, Chùa Vân Yên. Đây là ngôi chùa chính, quan trọng và đẹp nhất trong hệ thống chùa ở Yên Tử. Nhìn theo thế núi, Chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng. Đôi mắt rồng ở ngôi tháp Tổ, hai dãy núi đông, tây vươn về phía nam ôm lấy con đường hành hương dưới chân núi Giải Oan như đôi cánh tay rồng. Sách xưa ghi lại: chùa Hoa Yên ngoài tiền đường, thượng điện để thờ Phật, tả hữu còn có viện Phù đồ, có lầu trống, lầu chuông, nhà dưỡng tăng, nhà khách nghỉ… tạo thành một quần thể kiến trúc rộng lớn. Tại đây, du khách trẩy hội Yên Tử có thể dừng nghỉ chân hành lễ giữa chặng đường hành hương bái Phật. Hệ thống nhà nghỉ và nhà hàng gần khuôn viên chùa đáp ứng được khá tốt nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống để tiếp thêm năng lượng cho hành trình tiếp theo lên chùa Đồng.

Du lịch Yên Tử - GSV Travel

Dọc đường lên Chùa Đồng, du khách tiếp tục có dịp thắp hương, làm lễ tại các di tích như: Chùa Một Mái, Chùa Bảo Sái, Chùa Vân Tiêu, tượng đá An Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên… Chùa Đồng nằm ở độ cao 1068m, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 2006, do công đức của Quý khách, Phật tử thập phương, chùa được đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều dài 4.6m, chiều rộng 3.6m, chiều cao 3.85m, và nặng trên 85 tấn. Chùa như một đài sen và thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm.

Trải qua hàng tiếng đồng hồ, hàng ngàn bậc đá, quang cảnh khi du khách đứng trên đỉnh thiêng Yên Tử thật mãn nhãn, du khách có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng, núi non trùng điệp. Kết thúc chuyến hành hương du lịch Yên Tử, trước khi về, du khách đừng quên mua cho mình những đặc sản của vùng đất thiêng này, đó là dứa gai, măng trúc và rượu mơ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *