Bề dày lịch sử của chùa Long Đọi Sơn

Chua Long Doi Son - GSV Travel

Chùa Long Đọi Sơn (còn gọi là Chùa Đọi hoặc Chùa Đọi Sơn) là một ngôi cổ tự gắn với bia tháp Sùng Thiện Diên Linh nổi danh có từ thời Lý. Đây là di tích có giá trị quan trọng về mặt lịch sử, khảo cổ học và là một biểu tượng văn hóa của trấn Sơn Nam xưa cũng như Hà Nam ngày nay.

Lịch sử chùa Long Đọi Sơn

Dưới thời Lý, Long Đọi là một vùng linh sơn, được triều đình chọn làm nơi dựng hành cung và đặt một kho tài vật lớn ở đây. Trên núi có một ngôi chùa cổ. Năm 1118, vua Lý Nhân Tông ra lệnh cho xây dựng bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh cao 13 tầng và mở mang chùa to đẹp hơn.

Chua Long Doi Son - GSV Travel

Những điểm mới của du lich Trang An 2017

Khoảng 4 năm sau, chùa và tháp hoàn thành, vua cho mở hội ăn mừng, đích thân đến lễ và giao Hình bộ thượng thư Nguyễn Công Bật soạn văn bia: “Tháp này xây dựng từ niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118) đến mùa thu niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 3 (1121) thì hoàn thành…”.

Chùa Long Đọi Sơn và tháp Sùng Thiện Diên Linh đứng vững được trên 300 năm. Đến thời thuộc Minh (1407 – 1427), chùa và tháp bị phá, bia bị đánh đổ. Năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua Lê Thánh Tông đã phong cho núi Đọi là Nam thiên đệ tam động, và đề thơ ở mặt sau của tấm bia tháp Sùng Thiện Diên Linh. Cuối thế kỷ 16 (1591), dưới triều Mạc, chùa được nhân dân trong vùng xây dựng lại, làm cho “một nơi thắng cảnh trong chốn tùng lâm lại được mới mẻ”.

Vào thời Nguyễn, đặc biệt dưới đời sư tổ Thích Chiếu Thường (1840), chùa Long Đọi Sơn được mở rộng đến 125 gian, đúc tượng Di Lặc, nặng 1000kg bằng đồng, in ấn và lưu hành nhiều bộ kinh Phật. Lúc này, chùa là một trong số ít những địa điểm trên cả nước, trở thành trường Phật giáo.

Năm 1947, trong cuộc kháng chiến chống thực dân, chùa lại bị phá hủy. Sau khi hòa bình, vào năm 1957, tăng ni Phật tử và nhân dân trong vùng đã sửa chữa, tôn tạo, từng bước khôi phục lại không gian chùa. Năm 1992, chùa Long Đọi Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Kiến trúc chùa Long Đọi Sơn

Hiện nay, chính điện chùa quay về hướng Nam. Ngoài cùng là tòa Tam Quan (5 gian) với kiểu kiến trúc chồng diêm 8 mái. Tiếp theo là bàn cờ người, với diện tích rộng khoảng 50m2, được dùng làm nơi đấu cờ khi mở hội. Phía trên là cổng tam quan, với hai bên là lối lên sân chùa, ở giữa là nhà bia.

Bước qua 24 bậc đá là tới sân chùa, nơi đặt tượng Quan Âm. Dọc theo hành lang ở hai bên sân là hai dãy nhà đồng tội, có đắp cảnh Thập điện Diêm Vương, với thế giới của 10 cửa ngục như lời nhắc nhở người trần. Lên tiếp mấy bậc đá nữa là đến cụm kiến trúc chính của chùa Long Đọi Sơn.

Đầu tiên là tòa Tam Bảo, với 7 gian bái đường và 3 gian Thượng điện, thờ Đức Phật Di Lặc ở chính giữa, chư vị Phật, đức Hộ Pháp. Hệ thống vì kèo được làm theo kiểu chồng đấu giá chiêng, hệ cột kê chân tảng đá, dạng cổ bồng. Phía sau là hai dãy hành lang song song, đặt tượng Thập bát La Hán.

Hậu điện chùa Long Đọi Sơn nối thông với hành lang, là nơi thờ Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Tống Tử, Đức Át Nan, Đức Địa Tạng, và những nhân vật triều Lý có công với đất nước cũng như có công xây dựng ngôi chùa, như Thái úy Lý Thường Kiệt, vua Lý Nhân Tông, vương phi Ỷ Lan…

Bên trái chùa là 5 gian nhà Tổ đồng thời là khu giảng đường, cùng nhà khách, nhà bếp, tăng phòng… hợp thành cụm kiến trúc có bình đồ hình chữ U. Phía Tây là khu vườn tháp, hiện còn giữ được một số tháp thời Nguyễn. Bên phải chùa là điện Mẫu. Sau chùa là hố khai quật khảo cổ.

Di vật ở chùa Long Đọi Sơn

Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh: Trán, diềm và cạnh bia đều trang trí hình rồng. Bệ bia là một khối đá lớn, trên mặt bệ bia có 2 đôi rồng nước đang quấn lấy nhau, được chạm khắc tinh xảo. Hai đôi rồng đội bia thay cho rùa đội bia là hình tượng rất độc đáo mà chỉ ở đây mới có. Đặc biệt, nội dung của văn bia là nguồn tư liệu quý giá, tái hiện một cách sinh động bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng và đời sống dân gian thời Lý. Bia tháp đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Tượng Kim Cương: Hiện chùa Long Đọi Sơn còn lưu giữ 6 pho tượng thần hộ vệ Kim Cương, niên đại thời Lý, được tạc nổi trên đá theo kiểu phù điêu. Kích thước cao bằng người thật, mặc trang phục theo lối võ quan, áo giáp được trang trí tỉ mỉ bằng những dải hoa, hình xoắn.

Tượng đầu người mình chim: Gồm 4 pho tượng bằng đá có niên đại thời Lý, được điêu khắc rất công phu, độc đáo, mang dáng dấp của những nhạc công. Đây là các tác phẩm thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa hai nền kiến trúc nghệ thuật Chămpa và Đại Việt thời Lý.

Những tour du lịch Sapa giá rẻ đang được du khách lựa chọn nhiều nhất

Ngoài ra, chùa Long Đọi Sơn còn lưu giữ nhiều di vật quý khác, như những mảnh gốm trang trí hình vũ nữ đang múa hay hình rồng mang phong cách nghệ thuật thời Lý, một chiếc chuông cổ, một chiếc khánh cổ, những lư hương bằng đồng… cùng hệ thống tượng Phật phong phú.

Lễ hội chùa Đọi Sơn Hà Nam

Hàng năm, từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 3 âm lịch (chính hội vào ngày 21), lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức long trọng, thể hiện văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về tham dự, chiêm bái.

Phần lễ có đám rước kiệu đi từ chân núi lên chùa, làm lễ dâng hương tưởng niệm Lý Nhân Tông; có đội tế nam quan và tế nữ quan tạ ơn trời Phật. Phần hội diễn ra sôi nổi với các trò diễn, trò chơi dân gian như: biểu diễn trống, múa tứ linh, hát đối, thi nấu cơm, đấu vật, đánh cờ người…

Trải qua thời gian, tuy chùa Đọi Hà Nam không còn giữ được kiến trúc gốc, nhưng đây vẫn là ngôi chùa cổ bề thế, tọa lạc giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, và sở hữu một bề dày lịch sử, gắn với sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống của cư dân Hà Nam xưa và nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *