Đền Hai bà Trưng nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống

Đền hai Bà Trưng - GSV Travel

Cuộc khởi nghĩa lịch sử của Hai Bà Trưng từng đi vào lời ca trong vở cải lương kinh điển “Tiếng trống Mê Linh”, trở thành một trong ít tác phẩm “đẹp”, chất chứa sức sống bền bỉ qua nhiều thời đại, những lời hát gợi về chiến thắng đầy tự hào đã khắc sâu tấm gương sáng của hai nữ tướng.

Băng qua không gian và thời gian tưởng như vô tận của gần 2.000 năm, Hai Bà Trưng đã phần nào gác lại định kiến về số phận người phụ nữ phong kiến để vươn lên đấu tranh cho chính nghĩa. Có lẽ, xuất thân đặc biệt đã tạo nên khí phách phi thường ở hai người phụ nữ này. Cùng với người mẹ, họ mang trong mình dòng dõi con cháu Vua Hùng, cha là vị quan lạc tướng đất Mê Linh.

Đền hai Bà Trưng - GSV Travel

Từ gia đình ấy, lòng yêu nước sâu sắc được tôi rèn, bên cạnh việc Hai Bà Trưng luôn noi theo tấm gương sáng từ bậc hiền sĩ văn võ song toàn như cha mình: “Thiếp là cháu gái các vua Hùng đời trước, hôm nay đau lòng thương dân vô tội, dấy nghĩa trừ tà, nguyện xin các vị thần linh hội họp tại đàn này chứng giám và phù hộ cho thiếp. Thiếp là Trưng nữ dấy binh dẹp giặc, che chở dân lành, thu phục lại muôn vật cũ của tổ tông, không phụ ý trời, thỏa nguyện nơi đền miếu của các bậc đế vương các đời, không phụ sự trông đợi của tổ phụ nơi chín suối…”

Lời thề của Hai Bà Trưng được khắc trên ngọn đá tại khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng như tiếng sấm truyền qua bao thế hệ yêu nước, sẵn sàng đứng lên đấu tranh vì độc lập dân tộc. Đó cũng là lời nói đanh thép nhất, khẳng định với mọi thế lực âm mưu xâm lược nước ta, rằng ở nước Nam này, bao đời nay nữ nhi cũng là bậc anh hùng hào kiệt. Không hổ thẹn với lòng dân, ý trời. Mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà đứng lên khởi nghĩa và ghi công đầu trong lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc trên mảnh đất quê hương.

Lịch sử hào hùng ấy chúng ta không bao giờ quên. Cho đến nay, các di tích tưởng nhớ công ơn của bậc hiền tài yêu nước như đền, miếu thờ vẫn còn ở rất nhiều nơi. Tại Mê Linh, đền Hai Bà Trưng Mê Linh nằm ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, tọa trên vùng đất thiêng, ghi dấu sự ra đời và nơi phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi của hai danh nhân lịch sử.

Mỗi năm, khu di tích thu hút hàng triệu du khách khắp nơi tới thăm quan, dâng hương, học tập bởi đây còn là nơi lưu giữ nhiều cổ vật giàu ý nghĩa văn hóa, lịch sử như cỗ kiệu Bát Cống, Long Đình, bát cửu, chuông đồng… từ thế kỉ XVII. Bên cạnh đó, hệ thống đền thờ thân, phụ mẫu Hai Bà, đền thờ các tướng lĩnh cũng được đầu tư tu bổ, gìn giữ. Vì thế, giá trị của di tích đền Hai Bà Trưng ngày càng được khẳng định, điều này được chứng minh qua Quyết định công nhận đền là di tích Quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2013.

Cùng với việc trùng tu, tôn tạo khu di tích đền thờ, các hoạt động văn hóa khác cũng được thúc đẩy để lưu giữ nét đẹp truyền thống của mảnh đất Mê Linh, trong đó có lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng. Chính hội bắt đầu từ ngày mồng Sáu tới mồng Mười tháng Giêng, kỉ niệm ngày Hai Bà tế cờ khởi nghĩa. Bên cạnh đó, các ngày lễ truyền thống khác vẫn được quan tâm tổ chức như mồng Tám tháng Ba âm lịch là ngày hóa của Hai Bà Trưng, ngày một tháng Tám (Âm lịch) là ngày sinh Hai Bà Trưng, hay ngày giỗ ông Thi Sách, chồng Bà Trưng Trắc (mồng Mười tháng Mười một Âm lịch)… Thời điểm lễ hội hứa hẹn sẽ mang đến khoảnh khắc trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh cũng như tham quan, khám phá lịch sử cho du khách tour du xuân 2018 bốn phương.

Tìm lại cội nguồn dân tộc với truyền thống hào hùng, mỗi người dân đất Việt còn có dịp khắc sâu hơn niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt khi ta lựa chọn đến với điểm hẹn văn hóa này dịp năm sớm, chuyến đi còn đem đến sự thanh bình bởi cảm giác hòa mình vào không gian tâm linh uy nghiêm, hào hùng của khu di tích, cũng như háo hức khi đồng hành cùng lễ hội truyền thống được đón đợi mỗi năm ở đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *