Khám phá truyền thuyết về hòn đá linh thiêng của Mường Xia

Muong Xia - GSV Travel

Bao đời nay, người dân Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) luôn dành cho hòn đá có tên Lặc Mắn một sự tôn thờ. Xung quanh hòn đá này, tồn tại một tích xưa, mang đậm dấu ấn văn hóa của người Thái.

Trong chuyến công tác đầu năm 2017 tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), chúng tôi tìm về bản Mường Xia (nay là bản Chung Sơn), để nghe người dân nơi đây kể về những câu chuyện xung quanh hòn đá thiêng được cả bản tôn thờ.

Đầu xuân khám phá du lịch chùa Ba Vàng

Theo tiếng địa phương của đồng bào dân tộc Thái, hòn đá vía này còn gọi là hòn Lặc Mắn. Đó cũng là một trong những báu vật tâm linh của người dân xã Sơn Thủy. Người Mường Xia coi hòn đá vía như một báu vật, biết giữ hồn cho bản làng và nó có thể đánh đuổi được tà ma, bệnh tật. Người dân trong bản cho biết, trước khi đi xa hay tới một vùng đất mới, họ thường tìm đến hòn Lặc Mắn thắp hương, cầu nguyện. Họ tin, như thế sẽ được bình an, may mắn.

“Từ nhỏ, tôi đã được các vị cao niên trong bản kể về hòn đá của người Mường Xia, về sự linh thiêng của nó. Hiện nay, hòn Lặc Mắn vẫn nằm ngay giữa trung tâm của bản Chung Sơn, gần ngôi miếu thờ vị tướng Tư Mã Hai Đào”, cụ Hà Văn Dậu (SN 1943), một trong những vị cao niên của bản cho hay.

Theo sử sách của người Mường Xia, Hai Đào là người ở Mường Đào, Mường Khô (nay thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Vốn thông minh, từ nhỏ Hai Đào đã bộc lộ những phẩm chất hơn người. Khi lớn lên có dáng người cao to, tướng mạo phi phàm và giỏi võ công. Nghe tin, triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc ngoại xâm, Hai Đào lập tức xuôi về kinh kỳ dâng sớ tấu trình, xin được tham gia hội đấu võ. Trong võ đài năm ấy, Hai Đào đã thắng tuyệt đối trước các anh hùng khác và lọt vào mắt xanh của công chúa, được nhà vua tác thành.

Muong Xia - GSV Travel

Đền thờ Tư Mã Hai Đào ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy.

Nam Định chuẩn bị cho lễ hội Phủ Giày Nam Định 2017

Vào thế kỷ XVII, vùng biên giới nước ta bị giặc ngoại xâm đánh chiếm. Lúc này, ông đã xin nhà vua ra trận. Cầm hơn 3.000 quân, ông đánh đến đâu giặc phải rút lui đến đó. Sau khi dẹp được quân địch, Tư Mã trở về Mường Xia. Bởi vậy, sau khi vị tướng tài qua đời, tổ tiên người Mường Xia đã gửi “vía” vào một hòn đá, để cầu mong Tư Mã bảo vệ cho cả dân làng.

Hằng năm, vào dịp đầu xuân (từ ngày 20 – 22/2 âm lịch), người dân xã Sơn Thủy lại tổ chức lễ hội Mường Xia. Tại đây, hòn đá vía được đào lên, rửa sạch, sau đó bọc vải đỏ đặt lên kiệu Long Đình, có 18 nam thanh, nữ tú của đất Mường Xia rước về đền thờ tướng quân Hai Đào tế lễ. Nét văn hóa truyền thống này đã trở thành tục “gửi vía” rất riêng của người Thái miền Tây xứ Thanh.

Cụ Vi Văn Oăn (81 tuổi), chia sẻ: “Từ bao đời nay, mỗi khi gia đình nào mới sinh con nhỏ, lại ra đứng trước hòn đá Lặc Mắn thắp hương và làm lễ xin được khoẻ mạnh, cầu xin được bình an, lớn lên sẽ thành người có ích cho bản làng, cho đất nước. Ngoài ra, con em Mường Xia chúng tôi mỗi khi đi làm ăn xa đều phải đứng trước hòn đá vía, để xin phép đi ra khỏi bản, cầu cho sức khoẻ dồi dào, làm ăn được thuận lợi may mắn”.

Ông Lữ Hồng Thắng, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: “Hàng năm, cứ vào mùa xuân, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội Mường Xia để cầu mong no ấm, cuộc sống an lành, một năm thịnh vượng, mùa màng tốt tươi, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *