Khám phá vẻ sơn khu tiên cảnh của Tây Yên Tử

Tây Yên Tử - GSV Travel

Trong những ngày sau Tết Mậu Tuất, sườn Tây Yên Tử khách thập phương nườm nượp kéo đến. Người ngược tỉnh lộ 293 lên, kẻ xuôi quốc lộ 279 xuống… du khách trảy Hội xuân Yên Tử năm nay tăng đột biến, ngày cao điểm tới 10 vạn người. Thực tế Tây Yên Tử không còn mới lạ, đài nói báo đăng đã nhiều về một vùng đất nhiều thắng cảnh – di tích văn hóa nổi tiếng, nhưng “trăm nghe không bằng một thấy” nên lượng du khách đổ về du lịch Yên Tử 1 ngày ngày càng đông. Mỗi người đặt chân đến đây là một “sứ giả”, một kênh thông tin. Một người nói mười người nghe, cứ thế người người truyền tai, tiếng lành đồn xa về một vùng sơn khu tiên cảnh.

Yên Tử nằm trong cánh cung Đông Triều, gồm nhiều đỉnh núi cao, cao nhất là núi Khoáng Nam Châu Lãnh 1.507m và núi Cao Xiêm cao 1.330m. Dù chỉ cao 1.068m, nhưng Yên Tử lại án ngữ ngay cửa ngõ Đông Bắc của đồng bằng Bắc Bộ nên có vị trí hiểm yếu. Ngọn núi từng là lá chắn cho những phi đội én bạc của không quân Việt Nam cất cánh từ sân bay dã chiến trong rừng, vọt lên đánh chặn đàn thần sấm, con ma của Mỹ khi chúng không kích khu mỏ trong cuộc chiến tranh đánh phá Miền Bắc và từng là căn cứ kháng chiến chống quân Pháp.

Tây Yên Tử - GSV Travel

Yên Tử được ví như bảo tàng địa chất, vách núi còn ngấn nước vết sóng biển bào mòn, hang đá táng tụng vô số vỏ sò và ốc biển… như tiền nhân nhắn gửi tích xưa về vùng đất từng chìm sâu dưới đáy đại dương. Một bàn tay “khổng lồ” của tạo hóa kéo núi lên, vô tình để núi con vượt thổ cao hơn núi mẹ. Tức thời trời sai thiên lôi, giáng búa tầm sét đánh núi con đầu chẻ làm đôi, nên núi Yên Tử tích xưa còn có tên là Núi Xẻ. Truyền thuyết còn nửa tin nửa ngờ, song thực tế núi Yên Tử cao hơn núi Yên Phụ (Kinh Môn) cùng ở cánh cung Đông Triều, từ Sông Cấm nhìn lên quả thấy đỉnh Yên Tử bị xẻ làm đôi. Yên Tử còn có tên Bạch Vân Sơn (bốn mùa mây vờn gió núi), tương truyền trên một gò cao có huyệt đất thiêng, lập đàn ở đây có thể “hô phong hoán vũ”. Huyệt đất ấy hiện dưới móng Chùa Đồng.

Yên Tử danh thiêng từ thời thượng cổ. Đời nhà Hán có một vị đạo sĩ tên là An Kỳ Sinh đã đến Yên Tử để tu hành và luyện đan, khi đắc đạo thì hóa thân vào một tảng đá lớn ở lưng đèo, nay khối đá dựng đứng hình người vẫn gọi là tượng An Kỳ Sinh. Thời nhà Lý, trên Yên Tử đã có chùa. Nhà sư nổi tiếng nhất thời ấy là Thiện Quang. Vua Lý Huệ Tông đã nhiều lần “chiêu hiền đãi sĩ”, tiến lễ, mời nhà sư này về làm quốc sư, nhưng nhà sư nhất quyết không rời Yên Tử. Thời Trần, ông vua đầu tiên của triều đại này là Trần Thái Tông, năm 1237 đã đến Yên Tử yết kiến nhà sư Phù Vân với tâm nguyện xuống tóc tu hành. Nhưng ngày đó thái sư Trần Thủ Độ nặng can gián, đại đức Phù Vân lại kiên trì khuyên giải… Nhà vua buộc phải về triều nhấp chính. 62 năm sau (1299), theo di nguyện của ông nội, vua Trần Nhân Tông chuyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, bước tiếp con đường thượng sơn Yên Tử tu hành, lập nên thiền phái trúc lâm, nhập thế và đã hóa Phật.

Ngọn núi Yên Tử là mái nhà chung của 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Sườn Đông hướng ra biển bình độ cao dần, như bệ phản áp chắn sóng. Còn sườn Tây dốc đứng hơn, địa hình hiểm trở hơn thì được bù lại bằng những thác nước cao, những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn còn thưa dấu chân người, bầy đàn hoang thú làm tổ.

Sinh vật và cảnh quan sườn Tây có nét chung với sường Đông, nhưng cũng có nét riêng như núi ở độ dốc cao, lộng gió, đất phong hóa khô cằn, nhưng lại thích nghi với loại cây quý, 11.766,3ha rừng tự nhiên chứa đựng đa dạng sinh học, đây là khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn giữ được nét hoang sơ tiêu biểu của cả vùng Đông Bắc. Tại đây, xác định được 5 kiểu thảm thực vật chính: ở độ cao dưới 100m có trảng cỏ và cây bụi; ở độ cao 100 – 200m là trảng hóp xen cây gỗ nhỏ và tre nứa; ở độ cao 200 – 900m là kiểu rừng kín thường xanh, cây lá rộng thường xen cây lá kim, trên 900m là kiểu rừng cây gỗ lá rộng. Rừng tây Yên Tử có 1.165 loài thực vật bậc cao, thuộc 677 chi, 187 họ trong 6 ngành thực vật, có 57 loài cây có nguy cơ tuyệt chủng đã được đề cập trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Hệ thực vật có trên 40% số loài cây có khả năng làm dược liệu, nhiều loài cây thuốc quý như: Trầm hương, ba kích, thổ phục linh… Đặc biệt, có 4 loài thực vật quý hiếm gồm: Lim xanh, kim giao, sa nhân, vù hương; đặc biệt quý hiếm như: Tùng la hán, hoàng đàn, trúc bụng phật, thông 2 lá dẹt…

Muông thú rừng Yên Tử có 25 bộ, 61 họ, 154 loài thuộc các lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái. Rừng Tây Yên Tử đại ngàn cheo leo, nơi sinh trưởng của nhiều loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Cu li nhỏ, voọc đen má trắng, sói lửa, gấu ngựa, khỉ vàng, hươu vàng, gà tiền mặt vàng, gà lôi trắng, rùa vàng, rắn hổ mang chúa, cá cóc sần Việt Nam, ếch Yên Tử… Tây Yên Tử như một vườn bách thảo khổng lồ, một “siêu” bảo tàng thực cảnh sinh vật đáp ứng cho nhu cầu nghiên cứu, học tập, rất phù hợp cho sở thích du lịch sinh thái, “phượt” rừng.

Tây Yên Tử, một vùng sơn khu đồi núi trập trùng với 20 thác ghềnh lớn nhỏ, 7 suối chính từ ngọn Yên Tử chảy xuống, tạo phong cảnh đẹp như: Thác Giót, thác Ba Tia, bãi Đá Rạn, Ao Vua, Hồ Tiên, suối Nước Vàng, suối Nước Trong… Khu Thác Gót còn có 2 cây chò nâu đại thụ 600 tuổi, tôn thêm nét đẹp tự nhiên rừng già. Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Lục Sơn, thảm thực vật dày, cây cối hỗn giao tầng tầng lớp lớp. Nhiều cánh rừng tre mọc dầy như ruộng mạ. Gỗ tứ thiết cây già người ôm, thân cao chọc trời, phong lan trầm gửi ngát hương thơm. Trên cao, trong tán lá rừng chim chóc gọi bầy. Dưới thấp, đất ẩm dày dấu chân hoang thú… Thác Ba Tia xa xa nghe như tiếng mưa rơi, lại gần nước té vọt lên cao, thung lũng rừng mát như phòng lạnh. Thác Nước Vàng thì từ ngọn Phập Sơn đổ xuống. Kỳ lạ, nguồn nước tứ mùa ngả màu vàng óng như mật ong, tựa suối Vàng dưới chân núi Ngọa Vân, nơi vua hóa Phật, mầu xanh lẫn trong quầng mây sa xuống thấp là cao nguyên Đồng Cao, thuộc xã Thạch Sơn, trên độ cao 600m, nơi hẹn hò của tuổi trẻ, nơi săn mây đón gió của những người có thú vui thả mình vào thiên nhiên hoang dã, mùa này dập dìu kẻ ngược người xuôi…

Tây Yên Tử sáng danh địa linh, thắng cảnh. Nhân kiệt thì từ lâu đã nổi danh thơm: “Gạo bản Gà, đàn bà làng Mậu”. Việt Nam có trên 80 vạn đồng bào dân tộc Dao, phụ nữ người Dao cần cù lao động, giỏi việc nhà thạo việc nương rẫy. So bề nhan sắc, thì phụ nữ người Dao sinh sống ở 2 xã: Thượng Yên Công và Tuấn Mậu dưới chân núi Yên Tử xinh đẹp nhất. Các cô gái sinh ra và lớn lên ở chân núi Yên Tử đa số da dẻ trắng trẻo, dáng cao, người thắt đáy lưng ong, tuy ở khuất nẻo trong rừng nhưng như có nét bẩm sinh, tính tình mền mại, đoan trang, hoạt bát, nói năng nhỏ nhẹ dễ nghe. Người Dao thanh Phán ở xã Tuấn Mậu (Sơn Động ) với người Dao Thanh Phán ở xã Tân Dân (Hoành Bồ) có mối quan hệ dòng họ như anh đốt trên em đốt dưới, nhưng chụm lại thì như khóm mía cây mập – cây cò ke. Người Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công (Uông Bí) với người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (Hoành Bồ) cũng tương tự. Cụ thể, làng Mậu là một khe bản nhỏ bé của xã Tuấn Mậu (Sơn Động) chưa đầy 100 nóc nhà, mà có tới 2 hoa hậu mang tầm cỡ quốc gia, như hoa hậu Trịnh Thị Hương – Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Bàn Thị Giàng – Người đẹp miền núi phía Bắc Việt Nam. Nếu còn có cuộc thi hoa hậu người nông thôn miền núi, thì vùng sơn cước dưới chân núi Yên Tử còn nhiều phụ nữ giành vương niệm hoa hậu, á hậu.

 

Tương truyền, những cô gái vùng sơn cước xinh đẹp này, là hậu duệ của cung tần mỹ nữ Trần triều. Trên 700 năm trước, 300 cung tần mỹ nữ theo chân Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đến vùng rừng này tu hành, không được chấp thuận đã tuẫn tiết thể hiện trung quân. Kẻ chết, người sống thì siêu dạt vào làng bản ngụ cư, lấy chồng người địa phương, sinh con đẻ cái. Đời trước chuyền đời sau, con gái mang gen mẹ thì rất là xinh đẹp. Nhưng tích ấy không phải là chính sử, còn nhiều ý kiến khác nhau, suối rừng Yên Tử dòng chảy hiền hòa, đất lành không thể có đại tang ấy được.

Theo khoa học thì địa lý, khí hậu có ảnh hưởng đến sinh vật tự nhiên. Yên Tử, một vùng tiểu khí hậu đặc trưng, nhiệt độ chênh đến 600C. Nhiệt độ trung bình năm là 230C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 15,10C, lượng mưa trung bình năm 1.483,3mm, biên độ khí hậu ngày đêm chênh nhau xa, độ che phủ rừng cao. Cty CP giống cây trồng Quảng Ninh từng có công trình nghiên cứu cấy 4ha lúa nếp trên đồng ruộng Yên Tử, cho lúa tốt, gạo ngon. Công trình khoa học đạt giải nhì trong hội thi sáng tạo kỹ thuật Quảng Ninh lần thứ V(2014-2015). Chắc nguồn nước, thổ nhưỡng, khí hậu là môi trường sinh ra nhiều người đẹp. Đất linh sinh những hiền tài.

Tây Yên Tử, danh sơn dày trần tích văn hóa lịch sử. Xuân Mậu Tuất, tỉnh Bắc Giang khơi dậy tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái bằng con đường bê tông dài nhất Việt Nam (92km từ TP Bắc Giang đến Tây Yên Tử); trùng tu, xây dựng Khu văn hóa tâm linh sinh thái gồm 9 cụm di tích, phục dự lễ hội tân xuân Yên Tử, mở đường cáp treo đưa du khách lên đỉnh non thiêng Yên Tử… Đất thiêng níu chân du khách tour lễ hội 2018, tiếng lành “danh sơn mỹ nữ”, vùng Tây Yên Tử lại càng đồn xa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *