Không khí sôi động náo nhiệt của lễ hội chùa Dâu

Lễ hội chùa Dâu - GSV Travel

Lễ hội là một trong những nét văn hoá của dân tộc ta, hầu như làng xã nào cũng có lễ hội được tôt chức vào đầu xuân. Mọi người dân Thuận Thành, Bắc Ninh thường có câu ca:

” Dù ai buôn đâu, bán đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.”

Câu ca dao xưa như mời gọi biết bao du khách tour lễ hội 2018 hành hương về với vùng đất được xem là đất Phật- chùa Dâu. Hội chùa Dâu là lễ hội diễn ra với quy mô rộng lớn của ba xã thuộc vùng Dâu – Luy Lâu (Thuận Thành) là: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn với 5 ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Tổ thờ bà Man Nương – mẹ của Tứ Pháp. Lễ hội chùa Dâu được tổ chức vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hàng năm, với những nghi lễ tôn giáo truyền thống như lễ tắm Phật (lễ mộc dục), cướp nước, rước Phật Tứ Pháp… chùa Dâu đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.

Lễ hội chùa Dâu - GSV Travel

Hàng trăm năm đã trôi qua, cùng những biến động của lịch sử, thời gian các thành lũy, lâu đài, dinh thự ở Luy Lâu nay chỉ còn là hoang phế, nhưng chùa Dâu vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt” với những nét cổ kính rêu phong, xứng đáng là trung tâm Phật giáo lớn vùng đồng bằng Bắc Bộ, một trong những danh lam cổ tự vào bậc nhất xứ Kinh Bắc xưa nay. Từ xưa, lễ hội chùa Dâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng miền, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh cũng như động viên, khích lệ tinh thần nhân dân cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư và gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng.

Lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Bởi nó không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động và tiêu biểu mà còn với ý nghĩa quan trọng là cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa – một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp. Các nghi thức trong Hội Dâu xét cho cùng đều là những hoạt động diễn xướng tín ngưỡng cầu Thần Nước của nông dân.

Ban ngày rước Tứ Pháp về chùa Dâu “công đồng” là hội tụ các yếu tố Mây + Sấm + Chớp = Mưa. Ban đêm rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa. “Múa gậy” không chỉ để dẹp đám mà còn tái diễn sự tích cây gậy thần kỳ. Giếng cổ trong chùa là dấu vết Man Nương cắm gậy xuống đất làm ra nước cứu sống sinh linh. Đặc biệt cuộc thi “Cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Người ta bói xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.

Hội chùa Dâu Bắc Ninh không chỉ thu hút những người con gốc gác nơi đây về với quê hương, mà còn thu hút rất nhiều du khách thập phương trong nước và quốc tế cũng về tham dự hội. Theo quy định của địa phương, cứ 5 năm thì hội Dâu được tổ chức một lần đã tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa vô cùng sôi động và đậm đà bản sắc dân tộc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *