Khu du lịch tâm linh Hương Sơn: Liệu có phá vỡ những giá trị văn hóa linh thiêng

Chùa Hương - GSV Travel

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vừa đề xuất với TP Hà Nội thực hiện siêu dự án du lịch tâm linh có quy mô 1.000 ha ở khu vực chùa Hương, huyện Mỹ Đức với tổng vốn đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng… Điều này không chỉ mang lại lo lắng cho người dân quanh vùng dự án mà còn “vấp” phải sự phản đối từ các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa bởi nó sẽ phá vỡ đi nhiều giá trị văn hóa linh thiêng của cộng đồng.

 

Doanh nghiệp gieo hi vọng… người dân gặt lo lắng

Ngày 25/11/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP Hà Nội đã có công văn số 7257/KH&ĐT-NNS về việc đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Trước đó, ngày 5/9/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã có công văn số 5360/KH&ĐT-NNS gửi UBND TP Hà Nội về việc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn. Theo công văn này, doanh nghiệp đã có văn bản số 212/CV-DNXT đề xuất dự án từ ngày 25/7.

Chùa Hương - GSV Travel

Theo đề xuất, doanh nghiệp sẽ xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1.000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía Tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Lợi Phật (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.

“Nếu được triển khai, doanh nghiệp cam đoan Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc – Hà Nam vào năm 2028; khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1000 tỷ đồng/năm”- công văn số 5360/KH&ĐT-NNS cho biết.

Công văn của Sở KHĐT, doanh nghiệp Xuân Trường “chất chứa” bao hi vọng là vậy song khi nghe thông tin về siêu dự án của doanh nghiệp Xuân Trường tại xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, một số người dân địa phương lại bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn. Ông Trịnh Văn Giáo (Xóm 11, Đục Khuê, xã Hương Sơn) bức xúc nói: “Xuân Trường là một đơn vị kinh doanh cá nhân. Chúng tôi không muốn một doanh nghiệp đã từng gây bức xúc dư luận, khiến nhiều người dân vướng vào lao lý trong giải phóng mặt bằng khi thực diện dự án Tam Chúc – Ba Sao tiếp tục thực hiện các dự án có liên quan tới khu vực chùa Hương và xã Hương Sơn. Ngoài ra, khi nghe nói, tới đây, dự án của Xuân Trường còn đào một con kênh nối khu suối Yến với dự án tâm linh ở Ba Sao, người dân sống nhiều đời ở Hương Sơn, khu vực chùa Hương linh thiêng e sợ sẽ phạm phong thủy và nguồn nước cũng như công ăn việc làm của các hộ chèo đò”.

Ông Trịnh Xuân Hinh (Xóm 11, Đục Khuê, Hương Sơn, Mỹ Đức) nói: “Vẽ ra dự án lớn quá rồi lại thu hồi tới 1.000 ha đất thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hàng vạn nông dân. Nếu đào con kênh, suối Yến chảy về Hà Nam thì dòng chảy truyền thống lễ hội hàng nghìn năm có còn? Chúng tôi lại phải chia bớt công ăn việc làm, như thế quyền lợi của người dân không được bảo đảm. Được biết khi trình bày về dự án, doanh nghiệp Xuân Trường cho biết sẽ xây dựng một số chốt kiểm soát và thu phí để đón luồng khách tour lễ hội 2019 từ trung tâm thủ đô đến và từ Hà Nam sang. Nếu lại thêm các trạm thu phí và chốt chặn thì quả thực là thảm họa”.

Sẽ tạo ra độ “vênh” với văn hóa bản địa

Trước thông tin dự án này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã có những ý kiến cho rằng việc xây dựng các công trình mới trong các không gian văn hóa đã ăn sâu vào trong tiềm thức cộng đồng phải được xem xét kỹ lưỡng.

GS.TS Bùi Quang Thanh, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, ý tưởng về siêu dự án tâm linh của doanh nghiệp Xuân Trường đưa ra là không hợp lý. Chùa Hương đã có sự gắn kết giữa tín ngưỡng dân gian bản địa với Phật giáo, nó đã có sự hài hòa. Nhìn trên bình diện khu vực Hương Tích đã có sự cân đối hài hòa hàng trăm năm nay để đáp ứng nhu cầu tâm linh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng. Nếu Xuân Trường tôn tạo một công trình Phật giáo hoành tráng thì tạo ra độ vênh với tín ngưỡng bản địa.

Nêu quan điểm về đề xuất nạo vét dòng chảy suối Yến, GS Thanh cho rằng nếu hiện đại hóa, hoành tráng hóa môi trường sinh thái lên, điều đó là không nên. Bởi suối Yến đã gắn bó với không gian văn hóa Hương Tích từ bao đời, cải tạo lại sẽ làm phá vỡ cảnh quan đã ăn sâu vào tâm thức của du khách du lịch chùa Hương, gắn với cảnh quan không gian văn hóa tín ngưỡng, mà đó là không gian văn hóa thiêng. Vì vậy chắc chắn có sự tác động đến nhận thức của người dân và người dân sẽ không đồng tình. Người dân sẽ cảm thấy tâm linh bị vi phạm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia văn hóa còn cho rằng suối Yến không đơn thuần là con suối để chứa nước, nhìn nhận dưới góc độ phong thủy học thì lâu nay trong tiềm thức của người dân luôn coi đây như một long mạch linh thiêng mang lại phồn thịnh và bình yên.

Trùng tu, tôn tạo di tích là việc làm hết sức cần thiết góp phần bảo vệ những giá trị văn hóa quý báu. Tuy nhiên việc làm này phải nhận được sự đồng lòng, hài hòa giữa các giá trị kinh tế, văn hóa của cộng đồng. Vì vậy, cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội và các bộ, ngành cần xem xét thật kỹ lưỡng nhiều yếu tố, tránh những hệ lụy không đáng có khi triển khai dự án.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *