Ngỡ ngàng trước cảnh sắc độc đáo của Hà Giang

Núi đôi cô tiên - GSV Travel

Mỗi mùa cao nguyên đá lại có một sức hút riêng, không có hoa bao phủ mảnh đất ấy vẫn đẹp lạ kỳ. Ngoài tam giác mạch, Hà Giang có gì mà dân tình si mê đến vậy?

Mùa hoa tam giác mạch tại Đồng Văn (Hà Giang) thường kéo dài trong 2 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12. Từ khi bắt đầu bung nụ đến khi tàn, du khách đến với cánh đồng hoa mỗi thời điểm lại có những trải nghiệm riêng theo sắc hoa: khi trắng bông đến lúc ánh hồng tím dịu hiền nơi gốc núi.

Sức hút của những cánh đồng hoa cộng hưởng cùng sự quan tâm từ chính quyền địa phương với hoạt động Lễ hội hoa tam giác mạch khiến du khách đến với du lịch Hà Giang mùa hoa tam giác mạch đắm mình với loài hoa này mà vô tình bỏ ngỏ nhiều cảnh sắc khác ở đây.

Núi đôi Cô Tiên

Núi đôi cô tiên - GSV Travel

Cùng nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Núi đôi Cô Tiên nằm trên đường quốc lộ 4C, thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Đây được cho là thị trấn sầm uất nhất của mảnh đất cao nguyên đá. Đứng từ trên cao, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên nơi này.

Điều mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Tam Sơn chính là 2 quả núi kế nhau, có kích thước tương đồng và được người dân ví von như bộ ngực căng tròn của người con gái. Với mỗi mùa đến, núi Đôi lại khoác lên mình cảnh sắc khác nhau của cánh đồng lúa bao quanh: Hè sang lúa xanh rì, thu tới vàng ươm màu mật ngọt, đông về nâu sắc và xuân tới hồng màu đất.

Thế nên, đến với Hà Giang bất kỳ dịp nào trong năm, chúng ta cũng nên ghé qua Núi đôi để cảm nhận không gian trong trẻo, yên bình dịu ngọt đến nao lòng.

Phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn, cách thành phố Hà Giang 160km. Khi mới hình thành, đầu thế kỉ 20, nơi đây chỉ gồm vài gia đình người Mông, Tày, Hoa sinh sống. Sau này, người Pháp đến và đã có những quy hoạch tạo ra điểm nhấn quan trọng về kiến trúc. Có thể kể đến là khu chợ Đồng Văn, xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Không những vậy, mỗi khi đêm về, mỗi gia đình ở đây lại thắp sáng và treo cao một chiếc đèn lồng trước cửa nhà, xua đi cái lạnh khắc nghiệt của vùng cao nguyên. Dời khu phố, du khách luyến tiếc cảm giác nhâm nhi cốc trà nóng hay những thức ăn nướng nóng hổi, quây quần bên nhau trong cái lạnh “cắt da” ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển.

Cột cờ Lũng Cú

Đến với Hà Giang, du khách tour Hà Giang 3 ngày không nên bỏ qua địa danh cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc từ lâu đã trở thành hình ảnh thiêng liêng trong lòng mỗi người con đất Việt.

Từ bãi đỗ xe lưng chừng núi, chúng ta phải tự thân chinh phục 286 bậc đá để lên độ cao 1700m, đặt chân lên đỉnh Lũng Cú, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn tung bay trong gió.

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng như ngày nay cũng trải qua nhiều mốc quan trọng. Những câu chuyện về lịch sử cột cờ cũng nhuốm màu sắc huyền sử thiêng liêng.

Đến nay, cột cờ được xây dựng với tổng chiều cao 33,15m, có đường kính ngoài chân cột rộng 3,8m. Cột cờ được thiết kế hình bát giác giống cột cờ Hà Nội, 8 mặt chân cột mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kì lịch sử khác nhau của đất nước. Lá cờ đỏ sao vàng được sử dụng rộng 54 mét vuông (chiều dài 9m, chiều rộng 6m) tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền tổ quốc.

Dinh thự vua Mèo

Nằm tại thung lũng Sà Phìn, dinh thự thuộc sở hữu của Vương Chính Đức – người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.

Công trình có lối kiến trúc nguy nga, bề thế được xây dựng phần nhiều theo kiến trúc cổ của Trung Quốc và có lai tạo thêm kiến trúc của người Mông và người Pháp. Dinh thự bề thế được xây dựng trong vòng 8 năm mới xong với số tiền lên tới 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (tương đương 150 tỷ đồng bấy giờ).

Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000m2 được thiết kế, xây dựng bằng những phiến đá lớn, những loại gỗ quý, trạm khắc tinh xảo. Do vậy mà khu dinh thự không bị ảnh hưởng trong những năm chiến tranh và được giữ lại gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Năm 1993, dinh thự vua Mèo được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Kể từ đó, ngôi nhà đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách tham quan trong nước và quốc tế.

Ẩm thực vùng cao hấp dẫn

Khi đến Hà Giang mùa hoa tam giác mạch, du khách đừng quên thưởng thức món ăn dân dã gắn liền với loài hoa này. Những hạt tam giác mạch nhỏ xíu, được xay nhỏ thành bột mịn rồi nhào cùng nước cho đến khi dẻo. Bột nhào xong cho vào khuôn, đúc thành những bánh nhỏ, hấp chín trên bếp lửa thành những chiếc bánh tam giác mạch hấp dẫn với giá trị dinh dưỡng cao.

Bên cạnh đó, món cháo ấu tẩu cũng là một trong những nét ẩm thực riêng có của vùng đất Hà Giang. Cháo ấu tẩu được làm từ nguyên liệu là củ ấu, một loại củ có chất độc cực mạnh thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Củ ấu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm ít nhất 4h cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột sền sệt. Gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm, nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Bát cháo là tổng hòa mùi thơm của nếp, vị ngọt của chân giò, vị béo ngậy của trứng, vị chua của măng cùng vị bùi hơi đắng của ấu tẩu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *