Vẻ đẹp thanh tịnh nhẹ nhàng của chùa Suối Tắm

Chùa suối tắm - GSV Travel

Từ quốc lộ 18A rẽ vào Yên Tử khoảng 2km, qua dốc Cửa Ngăn trên bến xe Suối Tắm nhìn xuống sẽ thấy chùa Suối Tắm bên dòng nước trong xanh dưới bóng cây đại thụ. Chùa Suối Tắm tọa lạc ở thế đất tựa đầu Rùa (quy), là con vật đứng thứ 3 trong tứ linh (long, ly, quy, phượng) nên rất thiêng.

Tục Truyền

Sau khi vượt dốc vào Yên Tử, thầy trò Trúc Lâm (vua Trần Nhân Tông và Bảo Sái) ghé qua đây. Trưa hè oi ả, tiếng suối mùa mưa réo rắt hòa với tiếng chim rừng ca lảnh lót, hoa rừng muôn sắc tỏa hương theo gió thơm ngào ngạt, bụi đường trường quyện lẫn mồ hôi khiến cả hai bức bối. Vua Trần đóng khố, nhoài mình nơi dòng nước trong xanh. Dòng suối cuốn trôi bụi trần ra sông biển. Kể từ độ ấy, suối được đặt tên là Suối Vua Tắm. Để người sau được tắm suối dưới bóng cây râm mát, Vua trồng cây đa bên bờ suối. Cây đa bây giờ chỉ là một nhánh đa thuở trước còn sót lại, gốc trổ thành năm chạc như bàn tay Đức Phật xòe chở che.

Lịch sử hình thành và phát triển

Chùa Suối Tắm xưa chỉ là ngôi Miếu nhỏ thờ Nguyệt Nga công chúa (em gái Quận He Nguyễn Hữu Cầu – một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa ở thế kỷ thứ XVIII). Nguyệt Nga công chúa mất khi còn trẻ nhưng có công đức phù giúp đất nước, che chở cho dân nên nghĩa quân chôn cất Bà ở đây và lập miếu thờ Bà, tôn Bà là Phúc Đẳng Thần trấn giữ cửa rừng này. Chùa Suối Tắm trở thành vị trí ngôi chùa Trình của hệ thống chùa, tháp Yên Tử vào thời Nguyễn thế kỷ XVIII. Miếu thờ Thánh Hoàng Nguyệt Nga linh thiêng, mầu nhiệm đã được trùng tu năm 2010. Miếu cách chùa Suối Tắm thuở xưa về bên phải khoảng 20m đi ven theo ngược dòng suối.

Đầu thập kỷ ba mươi thế kỷ 20, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi khai thác than ở khu vực này. Để tạ thần Núi, ông cùng người vợ ba dựng môt ngôi Miếu thờ Mẫu Địa (Hiện nay là Hậu cung của chùa Suối Tắm thuở xưa) có bức Đại tự đề “Đệ Nhị Địa Thiên” và bức cửa võng khắc Mai hoá Rồng cũng được tạc vào thời đó.

Trong kháng chiến chống Pháp chùa Cầm Thực bị cháy, Chuông, Tượng của chùa được nhân dân trong vùng chuyển xuống Miếu này. Từ đó, Miếu thờ tượng Phật, mặc nhiên trở thành Chùa. Miếu – chùa Suối Tắm: Trước thờ Thần, sau thờ Phật cũng là ở tích này. Về sau, có một đoàn làm công đức ở Hải Phòng sang xây mở rộng bái đường. Ngôi chùa rộng rãi và có quy mô như ngày nay. Hiện nay, chùa Suối Tắm thuở xưa vẫn được bảo tồn và còn lưu giữ các pho tượng, pháp khí, đồ thờ tự cổ.

Năm 2009, bằng nguồn đầu tư của Nhà nước và công đức của quý khách tour đi Yên Tử thập phương, chùa Suối Tắm được trùng tu, tôn tạo với qui mô rộng và khang trang hơn trong khuôn viên 800 mét vuông.

Cảnh quan và kiến trúc

Nhà Tam Bảo, kết cấu hình chữ “Đinh” (J) gồm ba gian Tiền đường và Hậu cung diện tích 200 mét vuông. Mái lợp ngói mũi hài, hai đầu nóc, đầu đao bốn góc mái trang trí hình Rồng sóng nước, vân mây. Cánh cửa chính được cấu trúc “Thượng song hạ bản”. Ở mặt trước của hai trái nhà là hai cửa sổ tròn được trang trí chữ Thọ cách điệu.

Nhà thờ Tổ ở bên trái chùa, diện tích 100 mét vuông, hình chữ “Nhất” (-), mái lợp ngói mũi hài, hình Rồng ngậm hai đầu bờ nóc, đầu đao bốn góc mái trang trí hình Rồng sóng nước vân mây uốn cong tròn, trang trí chữ Thọ cách điệu ở mặt trước hai gian chái. Cửa cấu trúc “Thượng song hạ bản”. Lầu chuông, Lầu trống có diện tích 30 mét vuông, mái ngói mũi hài, đầu đao bốn góc mái trang trí sóng nước vân mây.

Các pho tượng thờ được bài trí trong chùa theo kiến trúc chùa Việt và Phật giáo Đại thừa. Nhà thờ Tổ, chính gian giữa thờ Tam Tổ Trúc Lâm, bên phải thờ Tam Toà Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải), bên trái thờ Mẫu Thượng Ngàn. Toàn bộ hệ thống tượng, pháp khí trong chùa và nhà thờ Tổ, mới được đưa vào thờ năm 2011 khi khánh thành chùa.

Tổng kết

Các ngôi chùa khác ở Yên Tử, muốn lên trên đó phải trèo non. Riêng với Chùa Suối Tắm, qua cổng Tam quan quý khách tour Ha Noi Yen Tu 1 ngay phải đi xuống mấy mươi bậc đá xếp để vãn cảnh và lễ Phật. Nét riêng độc đáo nhất của Chùa là điểm ấy. Ở vào vị trí khá đặc biệt nên ngày hè oi bức, vào chùa Suối Tắm vẫn mát rượi. Hoa bòng, hoa đại sực nức hương thơm. Mùa đông giá rét, dưới dòng Suối Tắm sương giăng khói nhưng ở trên chùa vẫn ấm áp lạ thường.

Bước xuống Suối Tắm lễ Phật và thắng cảnh, du khách đừng quên thắp hương tưởng niệm Đức vua Trần, Công chúa Nguyệt Nga, hồi hướng tâm linh về Bí Thượng – ngôi chùa Trình nơi cửa ngõ Yên Sơn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *