Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia bị cho thôi chức
[ad_1]
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã chính thức bị cho thôi chức kể từ ngày 19/7 theo quyết định của Thủ tướng.
Đó là nội dung chính của Quyết định số 1105/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký cùng ngày.
Theo quyết định trên, việc thủ tướng cho thôi giữ chức chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đối với ông Nguyễn Xuân Sơn là căn cứ vào đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Nội vụ.Ông Sơn được tạm thời giao về Bộ Công thương để bộ này phân công công tác.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản số 5625/VPCP-TCCV cho biết, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ về việc giao ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng Giám đốc PVN tạm thời kiêm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện quy trình bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN theo quy định.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Sơn chính thức được trao quyết định bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào ngày 15/7/2014 theo Quyết định số 1123/QĐ-TTg. Như vậy, ông Nguyễn Xuân Sơn giữ chức chủ tịch tập đoàn dầu khí PVN được hơn 1 năm.
Vĩnh Phúc thu hồi dự án của Tập đoàn Dầu khí
Trong một diễn biến khác liên quan đến PVN, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng trường Đại học Dầu Khí Việt Nam của Tập đoàn Dầu khí Việt NamDự án trên được cấp phép vào tháng 10/2009, có quy mô trên 150 ha nằm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.
Kế hoạch ban đầu là trường sẽ bắt đầu tuyển sinh khóa học đầu tiên vào tháng 3/2013 và có quy mô 19.000 sinh viên vào năm 2025.Ngoài nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành, trường còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2013, tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo UBND Vĩnh Phúc và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về một số nội dung liên quan đến dự án xây dựng trường Đại học Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí cho biết mong muốn UBND Vĩnh Phúc chấp thuận việc Tập đoàn ngừng triển khai dự án này đồng thời cho phép Tập đoàn Dầu khí nghiên cứu đầu tư Khu hội thảo, nghỉ dưỡng, thể thao của Tập đoàn tại diện tích đất đã quy hoạch.
Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí muốn tập trung đầu tư xây dựng Dự án trường Đại học Dầu khí Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với quy mô phù hợp với yêu cầu của ngành Dầu khí.
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí cũng thông tin, công tác chuẩn bị đầu tư vào dự án xây trường Đại học có kinh phí khá lớn trong đó chi phí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 93 tỷ đồng.
Theo tintuc.vn