Gặp "siêu bão", Hà Nội sẽ di dời gần 1 triệu dân

[ad_1]

Nếu gặp siêu bão đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội, gần 1 triệu dân Thủ đô sẽ được di dời tại chỗ hoặc sơ tán đến các địa điểm định sẵn để đảm bảo an toàn tính mạng.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt vừa ký quyết định về phương án phòng tránh, ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn nhằm hạn chế thiệt hại về người, tài sản và các công trình trọng yếu.

Theo đó, thành phố Hà Nội đưa ra hai tình huống giả định các cấp độ bão có thể gây thiệt hại ở mức độ khác nhau. Với tình huống một, bão mạnh, siêu bão (bão mạnh cấp 11, cấp 12, trên cấp 12; giật cấp 13, 14, trên cấp 14) làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện và sức phá hại cực kỳ lớn.

Hà Nội sẵn sàng các phương án tránh “siêu bão”.

175141

Tình huống hai, bão mạnh, rất mạnh (bão mạnh cấp 11, cấp 12, trên cấp 12; giật cấp 13, cấp 14) kèm theo mưa to kéo dài từ 2 đến 3 ngày với tổng lượng mưa trên 500 mm, gây ngập lụt trên diện rộng và làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện, với sức phá hại cực kỳ lớn.

Với các tình huống trên, thành phố Hà Nội yêu cầu cơ quan liên quan tổ chức di dời người dân ở trong nhà không kiên cố có khả năng bị đổ sập và những khu vực xung yếu để đảm bảo an toàn, tính mạng. “Việc di dời phải hoàn thành xong trước 12 giờ so với thời điểm dự báo siêu bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố”, quyết định nêu rõ.

Phương án cụ thể như sau: Quận Hoàn Kiếm phải di dời trên 54.000 dân, trong đó 2 phường Phúc Tân và Chương Dương có số người phải sơ tán nhiều nhất lần lượt là 16.400 và 20.000. Quận Ba Đình có số lượng người phải di dời đặc biệt lớn, lên tới 243.000, chủ yếu di dời tại chỗ tới các trường học, nhà văn hóa, nhà thi đấu trên địa bàn quận. Một đơn vị khác cũng có số lượng cần sơ tán lớn là huyện Mỹ Đức với khoảng 200.000 người.

Số lượng di dời sơ tán các địa phương: Sóc Sơn 46.000; Hoàng Mai 4.400; Tây Hồ gần 18.000; Hai Bà Trưng trên 44.000; Hà Đông hơn 17.000; Đống Đa 2.400; Thanh Xuân 11.000; Long Biên 4.300; Cầu Giấy gần 29.000; Nam Từ Liêm gần 7.000; Bắc Từ Liêm hơn 5.000…

Về lực lượng ứng phó, Hà Nội dự kiến huy động từ 50 đến 52 nghìn người của các sở ngành, UBND quận huyện tham gia khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Bên cạnh đó, còn có lực lượng thanh niên xung kích, tình nguyện viên, dân quân… hơn 100 nghìn người. Các đơn vị quân đội hiệp đồng với Bộ tư lệnh thủ đô có gần 13.000 cán bộ, chiến sĩ của 61 đơn vị.

Theo UBND Hà Nội, tùy tình hình diễn biến và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của bão, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương theo yêu cầu.

Quảng Ninh: Ngành than dừng sản xuất tập trung chống lũ 

Liên quan đến tình hình mưa lũ kỷ lục ở Quảng Ninh, chiều nay, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) cho biết đã yêu cầu các đơn vị đề cao cảnh giác, coi phòng chống mưa lũ là nhiệm vụ cấp bách; tập trung nhân lực, vật lực nhằm khắc phục thiệt hại và phòng chống mưa lũ.

Ông Chuẩn nhấn mạnh các đơn vị dừng mọi hoạt động sản xuất, tập trung cao độ phòng, chống mưa lũ; đồng thời, dừng mọi hội nghị không cần thiết, họp trực tuyến với các mỏ triển khai các biện pháp khắc phục, ứng phó.

Theo báo cáo của các đơn vị thành viên Tập đoàn TKV, những trận mưa lớn kéo dài từ ngày 26 – 29/7 đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất của Tập đoàn, cụ thể: ngập lò mức 175m tại mỏ than Ngã Hai của Công ty than Quang Hanh; lò mức 250m khu Đông Bắc của Công ty than Mông Dương.

Hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ lực lượng quân đội, công an được huy động để khắc phục mưa lũ tại Quảng Ninh.

175140

Một số mỏ phải ngừng sản xuất để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, máy móc như Hòn Gai, Mông Dương, Quang Hanh, Hà Tu… Mưa lũ còn kéo theo đất đá gây bồi lấp trạm xử lý nước thải; các kho than bị vỡ đê bao, sạt lở, ngập úng; hệ thống giao thông, tuyến đường vận chuyển than bị chia cắt, ngừng trệ…

Trước tình hình đó, lãnh đạo TKV đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra đến đâu, cứu hộ đến đó. Trước mắt, sẽ tập trung ứng cứu các hầm lò, bơm hút và ngăn không cho nước tràn vào ngập những mỏ này. Mặt khác, bảo vệ các kho than và những thiết bị máy móc, tài sản để hạn chế trôi, lấp than; ngăn chặn đến mức tối đa tình trạng trôi bùn than, nước từ bãi thải ra khu dân cư.

Theo tintuc.vn