Vẻ đẹp sừng sững sắc nhọn uy nghiêm của núi Đá Bia

Núi Đá Bia - GSV Travel

Núi Đá Bia có tên chữ là Thạch Bi Sơn, nằm trong dãy Đại Lãnh, có độ cao 706 mét so với mặt nước biển. Ngày trước muốn lên được đỉnh Đá Bia không phải là chuyện dễ dàng: cây cối rậm rạp, dây leo quấn chằng chịt, nhất là những con vắt đeo bám quanh người. Nhưng nay, đã có một con đường từ phía nam Đèo Cả thông lên bằng những bậc cấp, do Đoàn Thanh Niên Phú Yên thực hiện từ năm 2001 sau nhiều lần tổ chức du khảo.

Núi Đá Bia nằm doi ra sát mặt biển tạo thành những mỏm đá mà từ biển nhìn vào giống những hình thù kỳ dị như đầu sư tử, đầu rồng. Trên chóp đỉnh núi có một tảng đá khổng lồ đứng vươn thẳng lên trời cao, quanh năm mây trắng che phủ. Đứng dưới chân tảng đá, du khách tour du lịch Quy Nhơn Phú Yên phải ngửa mặt mới trông thấy tầng chót vót đỉnh cao

Núi Đá Bia - GSV Travel

Trên tầng cao bao la, nhìn về hướng tây là núi rừng trùng điệp, là những mái ngói đỏ ẩn mình trong màu xanh mạ non; nhìn ra phía đông mênh mông màu xanh nước biển; ngước mặt nhìn trời trời cao lồng lộng, thăm thẳm xanh. Thỉnh thoảng vài lọn mây trắng kéo qua có thể vói tay chạm vào được. Gió ngàn reo quanh triền đá, sóng biển lao xao thầm thì dưới kia và những cánh chim hải âu xoải cánh dài như nối liền một giao khúc giữa đất trời hội tụ nơi thiêng liêng này, khiến mọi người đứng trên tầng cao dễ có cảm tưởng như đang đứng trên chốn bồng lai tiên cảnh, như những chàng Từ Thức lạc non tiên, và hơn hết như được sống lại một thuở hào hùng của cha ông thời mở cõi.

Bên dưới kia, về hướng đông-nam là ngọn hải đăng Mũi Điện toả quầng sáng trắng lung linh soi biển đêm, là ngọn đèn dẫn đường mở ra những hướng đi tới những chân trời mới lạ, há chẳng làm hài lòng tiền nhân trên chót vót tầng cao kia sao?

Nhiều bộ sử Việt đã chép lại vắn tắt thời kỳ vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh dẹp quân Chiêm Thành quấy nhiễu bờ cõi và lấy núi Đá Bia phân định ranh giới hai nước Việt-Chiêm và có khắc bia trên đó ghi niên hiệu Hồng Đức. Song nội dung văn bia đó chỉ là truyền khẩu, bởi vết tích để lưu lại thì không thấy được gì ngoài một tảng đá cao sừng sững bám quanh là những loài cây ký sinh cùng những đụn mây trắng xốp ôm quanh.

Trong Phủ Biên Tạp Lục, quyển II Lê Quý Đôn mô tả Đá Bia như sau: “Núi Thạch Bi ở phủ Phú Yên là chỗ tiên triều (tức Lê Thánh Tông, ghi chú của người viết) phân địa giới với Chiêm Thành. Núi đến rất xa, tự đầu nguồn liên lạc đến bờ biển. Núi này cao hơn các núi khác. Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, lấy đất đặt xứ Quảng Nam, lập dòng dõi vua Chiêm Thành cũ, phong cho đất tự núi ấy trở về phía Tây, tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới, xoay lưng về phía Bắc, mặt về phía Nam, lâu ngày dấu chữ đã mòn mất. Họ Nguyễn đánh Chiêm Thành lấy đất đặt các phủ Bình Khang, Diên Khánh. Đường tự Phú Yên vào Bình Khang theo chân núi, sắc đá đều đen. Tháng 12 năm Tân Mão, chợt có một tiếng sét rất to, đá biến thành sắc trắng cả, trông xa một tòa núi Thạch Bi đứng sững như đá vôi. Nguyễn Phúc Thuần sai đến tế”. [15, tr.21].

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì chép: “Vua Lê Thánh Tông đánh đuổi Chiêm Thành chạy khỏi núi Đại Lãnh, bèn cho khắc chữ vào Đá Bia làm mốc giới”. [11,tr.64]

Còn theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn thì chép như sau: “Đầu tháng Tư, quân Nam chinh về tới Nghệ An… Tháng Sáu vua hạ chiếu lấy những đất mới của Chiêm Thành làm phủ Thừa Tuyên, Quảng Nam… Vua còn cho san (phá) cái đỉnh núi cao nhất ngoài bờ biển giáp địa giới nước Nam Bang (Phan Rang) để dựng thành cái bia làm giới hạn, gọi núi ấy là núi Thạch Bi, nay là dãy núi giáp giới Phú Yên-Khánh Hoà chạy dài xuống tận biển tạo thành mũi Varrella” [56, tr.408]

 

Trong khi đó các sách của người Trung Hoa như các quyển: Quảng Châu ký, Tùy Thư, Thông Điển, Tân Đường Thư, Tần Thư Địa Lý chí, Nam Việt chí, Thái Bình Ngự lãm đều cho rằng Đá Bia là nơi viên tướng nhà Hán là Mã Viện đã cho trồng cột đồng để phân ranh giới: phía Bắc là đất Nhật Nam thuộc nhà Hán, phía Nam là đất của nước Tây Đồ Di. Tên núi lúc ấy là Đồng Trụ Sơn, đến đời vua Lê Thánh Tông khắc bia mới đổi là Thạch Bi Sơn.

 

Núi Đá Bia còn được các nhà hàng hải Pháp thời đó gọi là Ngón Tay Chúa (Le Doigt de Dieu) vì theo họ khi đi ngoài biển nhìn vào, tảng đá trên núi dựng cao giống ngón tay chỉ lên trời cao. Đó là điểm tiêu để làm căn cứ cho tàu chạy dọc theo biển Đông. Sau này, năm 1890 một sĩ quan hải quân người Pháp tên Varella cho xây một ngọn hải đăng định vị cho tàu bè qua lại. Chính vị trí này, dân địa phương gọi là Mũi Điện, còn trong sách địa lý hàng hải thì gọi Mũi Varella.

 

Còn người Chăm gọi Đá Bia là Hduơn Ktol, có nghĩa là núi Cùi Bắp vì trông hình dạng rất giống chiếc cùi bắp cắm trên cao. Một ngày kia, thủ lĩnh của bộ tộc Chăm ra lệnh toàn bộ các chiến binh phải thử cung tên của mình để kiểm tra hiệu quả của loại vũ khí này. Tất cả đều leo lên ngọn núi cao Chư Sê và giương cung nỏ, nhắm vào tiêu điểm là núi Cùi Bắp để bắn. Tất cả các mũi tên đồng loạt bật khỏi dây cung và xuyên thủng núi Cùi Bắp tạo thành một đường hầm chạy thẳng ra biển. Ngày nay người Chăm vẫn tin rằng dưới chân núi Đá Bia, đoạn từ QL1A ra biển có một đường hầm rộng, thẳng tắp. Đó là đường hầm do tổ tiên họ thử cung tên ngày xưa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *