Bức ảnh “khó đỡ” của Hoa hậu Kỳ Duyên: Các “thánh soi” phạm luật!

Xoay quanh bức ảnh với tư thế ngủ “khó đỡ” của Hoa hậu Kỳ Duyên nhiều người cho rằng, người chụp, đăng bức ảnh mới là đáng trách và thậm chí là vi phạm pháp luật.

Trên mạng xã hội bây giờ, “nóng” nhất có lẽ là bức ảnh Hoa hậu Kỳ Duyên ngủ say với dáng ngủ có phần vô tư trên máy bay. Bức ảnh được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trong chiều ngày 29/6.

Bức ảnh chụp tư thế ngủ “kém duyên” khiến hoa hậu Kỳ Duyên bị chỉ trích được đăng trên nhiều mạng xã hội và cả một số tờ báo để câu like, câu khách.
Người không ủng hộ thì cho rằng dù sao cô cũng là con gái, lại là đại diện sắc đẹp của một đất nước. Ở nhà thì như nào cũng được, còn khi ở nơi công cộng, cũng cần phải cẩn trọng hơn, tránh để những khoảnh khắc đáng tiếc bị mọi người chụp lại.
Còn nhiều ý kiến thông cảm thì chia sẻ có thể vì quá mệt mỏi với lịch làm việc dày đặc nên Kỳ Duyên mới ngủ “thoải mái” đến thế. Nhiều người khi ngủ quá say cũng không thể kiểm soát được chân tay mình như thế nào. Hơn nữa, có thể còn do góc chụp “ác” nên bức ảnh mới bị tư thế kì cục vậy.
Trên trạng thái của An Thiên Nguy (An Nguy) – một Vlogger nổi tiếng chia sẻ: “Chả thấy gì, chỉ thấy đáng yêu”.
Hoa hậu Kỳ Duyên và mẹ
Ngay khi bức ảnh được đăng tải với tốc độ “tên lửa” trên facebook, mẹ của Hoa hậu Kỳ Duyên giải thích, bức ảnh được chụp vào ngày chủ nhật, trước đó Kỳ Duyên đã phải tham gia sự kiện ở TP.HCM từ sáng sớm cho đến tối, lại phải bay về Hà Nội gấp trong đêm để kịp học ở trường vào sáng thứ hai. Sức khỏe yếu, làm việc liên tục nên Kỳ Duyên bị mệt, không kiểm soát được dáng ngủ của mình khi say giấc.
Ngoài ra, trên facebook cá nhân, Á hậu Diễm Trang đã chia sẻ về nỗi khổ, áp lực mà Kỳ Duyên đang phải mang, đồng thời cũng cho rằng người chụp bức ảnh này mới đáng trách.
Diễm Trang chia sẻ: “Thương em…! Làm gì cũng bị soi cũng bị nói, đăng quang Hoa Hậu chứ đâu phải thánh mà mọi thứ cá nhân của người ta đều bị đưa ra bàn luận. Lúc tỉnh đã phải nỗ lực làm tròn nhiệm vụ, đến đi ngủ cũng phải làm theo hình ảnh mong đợi của người khác sao. Giữ hình ảnh là việc cần thiết nhưng hãy cho người ta một chút cuộc sống riêng tư, khi mệt mỏi thì ai cũng vô tư mong ngủ trong tư thế thoải mái nhất. Người chụp bức ảnh này thật đáng trách”. 
Theo luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP. Hà Nội, thì hành vi chụp và đăng ảnh này là hành vi xâm phạm quyền hình ảnh.
Hành vi này được giải quyết theo các quy định của bộ luật dân sự như: Dừng hành vi, cải chính, xin lỗi công khai, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu nếu hành vi đăng ảnh phản cảm của Kỳ Duyên và đi kèm theo đó là những lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cô gái này thì hành vi đó có thể gọi là hành vi làm nhục người khác và có thể bị xem xét về trách nhiệm hình sự.

Tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 121 bộ luật hình sự

1. Trách nhiệm dân sự: Quyền nhân thân nói chung và quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình nói riêng là một trong những nội dung cơ bản của quyền con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Tại Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định:
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 25 Bộ luật Dân sự, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
2. Trách nhiệm hình sự: Như đã nói ở trên, nếu hành vi đăng ảnh của Kỳ Duyên kèm theo là những lời lẽ xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Hoa hậu này thì hành vi như vậy là nguy hiểm cho xã hội và có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự, cụ thể hình phạt được quy định như sau:
Điều 121 Bộ luật hình sự quy định tội làm nhục người khác như sau:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *