Có một hiệu ứng khiến bạn luôn bị siêu thị “hớp hồn”, định vào mua bó rau nhưng lại tay xách nách mang ra về, hoá đơn cứ tiền triệu…

Màu sắc - Nghệ thuật ánh trăng lừa dối

Chắc bạn không còn xa lạ gì với chuyện đi vào siêu thị chỉ để mua bó rau hay túi rác, nhưng đi ra với chiếc xe đầy ắp đồ cùng hoá đơn nặng trĩu…

Mỗi lần mẹ của Linh An chuẩn bị đi mua đồ, nó sẽ lại nhắn cho tôi và bảo là mẹ lại bắt đầu bài ca lần này sẽ chỉ đi siêu thị trong 15 phút thôi. Nhưng 10 hôm thì đến 11 lần là mẹ Linh An sẽ về nhà sau 1 tiếng có lẻ với tay xách nách mang tỉ ti hàng hoá. Đặc biệt phần lớn là những sản phẩm không nằm trong kế hoạch.

Đôi lúc sẽ có những lời biện bạch như hàng hoá đang giảm giá. Cũng có khi mẹ Linh An tự hỏi sao mình lại quyết định mua những món đồ không cần thiết như vậy.

Có một hiệu ứng khiến bạn luôn bị siêu thị hớp hồn, định vào mua bó rau nhưng lại tay xách nách mang ra về, hoá đơn cứ tiền triệu… – Ảnh 1.
Qua những dòng tin nhắn ngớ ngẩn, tôi vẫn nhớ như in rằng Linh An luôn bảo là sẽ không bao giờ giống mẹ nó. Linh An hay đùa rằng nó sẽ trở thành một người mua sắm kỷ luật. Song, “cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Từ khi bắt đầu ra sống riêng, phải tự đi siêu thị nhiều, bạn tôi đã nhận ra rằng ai rồi cũng bị siêu thị “hớp hồn” thôi.

Linh An đã trở thành người luôn kêu với tôi rằng “Tại sao tao chỉ định mua 200k mà cuối cùng hoá đơn lại thành 600k”. Hoá ra không chỉ người lớn, những đứa GenZ nằm ở ngưỡng cửa chẳng lớn cũng không nhỏ như chúng tôi cũng “vung tiền” quá đà ở siêu thị.

Nếu bạn cũng giống như Linh An thì đừng vội lo lắng. Hành vi này phổ biến đến mức nó được đặt cho cái tên Hiệu ứng Target.

Hiệu ứng Target

Trước hết, dừng khoảng chừng 3 giây. Target ở đây không có nghĩa là mục tiêu (nghĩa tiếng Việt của từ “target”). Nó là tên của chuỗi siêu thị hàng đầu tại Mỹ.

Hiệu ứng Target nghe thì có vẻ không thật sự uy tín. Nhưng nó đã được Urbandictionary ghi nhận. Và định nghĩa của hiệu ứng này là kết quả của việc đi vào một cửa hàng, định mua một vài thứ, và ra về với rất nhiều sản phẩm khác. Nó thường xuyên xảy ra khi người tiêu dùng của Mỹ mua sắm tại Target. Cho nên tên của chuỗi siêu thị này được lấy đặt cho hiệu ứng tâm lý không thể chỉ mua một thứ.

Tất nhiên không phải ngẫu nhiên Target có thể thu hút khách hàng đến vậy. Đây là chuỗi siêu thị có một lịch sử lâu dài làm việc với những bộ óc thiết kế tốt nhất trong doanh nghiệp. Ánh sáng, bảng màu và cách bài trí của cửa hàng đã được lên kế hoạch. Nó khiến cho việc chi tiêu ngoài kế hoạch của khách hàng tưởng như ngẫu nhiên nhưng thật ra là có chủ đích từ phía Target.

Và không chỉ có những người Mỹ mới có hành vi mua sắm này. Các siêu thị Việt Nam cũng đã có những chiến lược hiệu quả không kém để thu hút người tiêu dùng. Có thể kể đến Linh An và mẹ của bạn ấy.

Cách siêu thị đánh lừa tâm trí chúng ta

1. Mùi hương hấp dẫn toả ra từ siêu thị

Bạn nghĩ: “Woa, Mình đang đói bụng không chịu được. Có lẽ, mình sẽ mua một ít bánh mì.”

Thực tế: Bạn vừa mới lướt qua gian hàng bánh của siêu thị nằm ngay lối ra vào.

Hầu hết ở các siêu thị, đặc biệt là những chi nhánh lớn, gian hàng các thể loại bánh thường nằm ngay nơi ra vào. Bạn nghĩ chúng là ngẫu nhiên? Không phải đâu.

Dù chỉ đi lướt qua khu vực siêu thị, bạn cũng có thể dễ dàng ngửi thấy mùi bánh mì và bánh ngọt mới ra lò. Nó kích thích khứu giác và khiến bạn có xu hướng cảm thấy đói hơn trong khi mua sắm. Có nghĩa là bạn sẽ chi nhiều tiền hơn trong siêu thị vì bạn nghĩ điều đó là cần thiết.

Không chỉ đánh lừa người tiêu dùng khi ở siêu thị, mùi hương ảnh hưởng đến thói quen mua những mặt hàng khác. Buylogy nhận thấy rằng mùi hương cỏ mới cắt trong cửa hàng đồ kim khí giúp cho doanh thu tăng lên 49%.

Mùi hương hấp dẫn toả ra từ siêu thị

2. Màu sắc – Nghệ thuật ánh trăng lừa dối

Bạn nghĩ: “Crest có vẻ là loại kem đánh răng tốt nhất”.

Trên thực tế: Crest là loại kem đánh răng duy nhất trong hộp có màu xanh.

Con người thường gán màu sắc với hành động. Chẳng hạn, tất cả chúng ta đều biết rằng màu đỏ có nghĩa là dừng lại và xanh lá cây có nghĩa là được đi. Nhưng mối liên hệ trong tiềm thức của chúng ta với màu sắc thực sự sâu hơn nhiều. Chúng có thể ảnh hưởng đến cách bạn hiểu về giá cả, giá trị cũng như chất lượng sản phẩm.

Các nhà tiếp thị thường sử dụng màu xanh lam để nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng có ý thức về lập ngân sách. Những người liên kết màu sắc với sự tin tưởng và ổn định. Bạn có thể thấy rằng nó xuất hiện thường xuyên tại ngân hàng hoặc trên thẻ tín dụng.

Màu đỏ gợi lên cảm giác chiến đấu hoặc bỏ chạy có thể thúc đẩy mua hàng. Bên cạnh đó, bởi vì màu tím hiếm khi được tìm thấy trong tự nhiên, chúng có xu hướng liên hệ với sự sang trọng, hoàng gia và giàu có. Trên kệ siêu thị với vô vàn sản phẩm, những món đồ màu tím giống như có chất lượng cao nhất.

Màu sắc - Nghệ thuật ánh trăng lừa dối

3. Âm nhạc bắt tai – không ngừng mua sắm

Bạn nghĩ: “Mình có rất nhiều năng lượng! Hey, mình thật sự thích mua đồ ở siêu thị!”

Thực tế: Mỗi dịp Xuân về, siêu thị bật các bài nhạc Tết.

Các nhà bán lẻ dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để tạo ra các danh sách phát nhạc thú vị. Đó không phải là vì họ quá yêu các bài hát. Âm nhạc làm cho mọi người vui vẻ. Tất nhiên, khi hạnh phúc mọi người sẽ mua nhiều hơn.

Âm thanh cũng có thể tác động đến cảm xúc và thói quen không chỉ ở trong các siêu thị. Bạn có từng nhớ rằng mình đi ăn thịt nướng và thích cái tiếng xèo xèo đến mức nào không. Đấy chính là cách âm thanh khiến bạn muốn ăn nhiều hơn.

4. Chiến lược bố trí cửa hàng hoàn hảo

Bạn nghĩ: “À, mình muốn mua gạo nên phải đi sâu vào trong”.

Thực tế: Siêu thị cố ý bố trí những món sản phẩm thiết yếu ở chỗ xa nhất từ cửa vào.

Bố cục siêu thị về cơ bản là đặt ra con đường người mua hàng sẽ phải đi qua tất cả gian hàng. Nó được thiết kế để khách hàng có một con đường rõ ràng, khuyến khích tìm kiếm và tương tác (thực chất là tăng thời gian ở lại siêu thị”. Đồng thời làm nổi bật các sản phẩm và thúc đẩy chuyển đổi thành hành động mua sắm.

Một thực tế thú vị là các mặt hàng chủ lực như sữa, mì tôm, gia vị… thường được đặt ở các góc xa của cửa hàng. Vì vậy, bạn sẽ phải đi qua tất cả các mặt hàng hấp dẫn nhưng không thật sự cần thiết – hay nói đúng hơn là nằm ngoài kế hoạch mua sắm – và có thể tiện tay bỏ một vài món đồ vào xe đẩy của mình.

Chiến lược bố trí cửa hàng hoàn hảo

5. Không có cửa sổ hoặc đồng hồ

Bạn nghĩ: “Thật ra mình chẳng nghĩ gì cả vì không bao giờ quan tâm về đồng hồ hay cửa sổ ở siêu thị”

Thực tế: Đó là bí mật siêu thị không bao giờ muốn bạn biết đến.

Cá là bây giờ bạn đã bắt đầu thắc mắc tại sao không có cửa sổ hoặc đồng hồ ở siêu thị. Và đó chính xác là chiến lược mà siêu thị không muốn bật mí cho bạn. Khi không có một vật trực quan như đồng hồ nhắc nhở bạn về thời gian, bạn có xu hướng dành hàng giờ đồng hồ cho mua sắm. Chắc bạn vẫn chưa quên mẹ Linh An chứ!

Với một vài giai điệu vui tai, bạn có thể đẩy xe hàng cả buổi chiều. Ai mà không thích chìm đắm và lựa chọn những món đồ mình thích hoặc chỉ đơn giản là tò mò muốn dùng thử cơ chứ. Nhưng chắc hẳn túi tiền của bạn có thể đang khóc thét đấy!

Ảnh: Sưu tầm

Theo ttvn.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *