Đàn ông tốt không mang “họ hứa”?

Đàn ông tốt không mang "họ hứa"

Khi yêu, ta có thể hứa, sau khi kết hôn ta vẫn có thể hứa, miễn lời hứa hẹn được phát ra bằng tất cả tấm chân tình. Khi bên nhau, lời hứa là động lực, khi chia tay, lời hứa là kỷ niệm.

Có nên tin lời hứa hẹn?

Thảo có hai em gái là Vi và Cầm, đều đang tuổi cập kê. Cả hai em đều nể sợ chị. Thảo từng chu cấp tiền ăn học, từng định hướng nghề nghiệp tương lai và bây giờ, Thảo nhiều phen chia sẻ (thực ra là giáo huấn) chuyện chọn chồng cho hai em.

Hễ nghe cô nào tâm sự “anh ấy hứa với em thế này, hẹn mai sau thế kia” là Thảo điền ngay “tick đỏ”. Với Thảo, đàn ông tốt không mang “họ hứa”.

Đàn ông tốt không mang "họ hứa"

Thảo dị ứng với những tay đàn ông hay hứa hẹn (Ảnh minh họa)

Tuấn là mối tình đầu của Thảo. Hai người quen và yêu nhau dưới mái trường sư phạm. Đều là con nhà nông ở quê lên phố, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, cả hai động viên nhau xoay xở. Ngoài giờ học, Thảo đi làm thêm để kiếm tiền trả tiền thuê trọ. Tuấn phụ bếp cho một nhà hàng để nộp học phí tiếng Anh.

Thế rồi, có thời điểm, Tuấn theo chân bạn bè rủ rê nên bỏ học. Bao nhiêu tiền má ở quê gửi lên, Tuấn đều nướng hết vào lô đề, banh bóng. Trong khoảng thời gian dài, cậu càng gỡ càng rối, quay cuồng trong đống nợ nần. May mà Tuấn có Thảo không ngại khổ, luôn bên cạnh đồng hành.

Thảo động viên, tìm mọi cách để xin thầy cô cho Tuấn nhập trường trở lại. Thảo nhận thêm lớp dạy kèm, chạy bàn 2, 3 quán cà phê để hỗ trợ Tuấn trả nợ.

Tuấn nghẹn ngào, hứa sẽ không bao giờ quên ơn Thảo, không bao giờ quên mối ân tình mà cô dành cho mình trong những ngày tháng sinh viên. Tuấn nói ra trường sẽ cưới Thảo, cùng nhau xây dựng tương lai…

Thế rồi, những tháng cuối trước khi tốt nghiệp, Tuấn bí mật hẹn hò với người mới, là một cô gái thành phố, giàu có và có bố làm to. Giây phút cầm được tấm bằng trong tay, anh “lật bài” bằng một mớ lý giải vòng vo.

Đàn ông tốt không mang "họ hứa"

Mối tình đầu cay đắng ấy đã từng lấy đi rất nhiều nước mắt của Thảo. Nó là vết xước sâu, nhưng cũng đồng thời là bài học giá trị để bây giờ Thảo có cơ sở “đánh động” các em.

Cô bảo: “Hai em không nên trọng lối sống thực dụng, nhưng phải luôn đề cao lối sống thực tế. Và muốn thực tế thì ở đó phải tồn tại sự điều chỉnh, hành động vì nhau chứ không phải một bên hứa, một bên tin, một bên hẹn, bên còn lại đợi chờ”.

Vẫn cần anh hứa không buông tay…

Mấy hôm nay, cộng đồng mạng đang xôn xao về vụ ly hôn giữa Diệp Lâm Anh và người chồng đại gia. Chặng đường từ khi yêu đến chung sống đầy ngọt ngào của đôi bạn trẻ cuối cùng cũng đi đến hồi kết buồn.

Thông điệp của bài viết Lời hứa “mãi mãi không buông tay em” là dối trá? có nhiều điểm trùng khớp với suy nghĩ của hai cô em gái của Thảo. Vi và Cầm thuộc thế hệ gen Z, bé nào cũng đậm cá tính, nên lời nói của Thảo như nước đổ lá môn.

Tránh phật lòng chị, mỗi lần nghe Thảo kể về mối tình đầu với Tuấn, cả hai gật gật gù gù, thế nhưng thẳm sâu bên trong, họ đều cho rằng: Yêu đương không cần phải lắng nghe hoặc ngắm nhìn từ bên ngoài, mà phải là sự trải nghiệm từ bên trong.

Dù thất vọng, hụt hẫng, thậm chí đau đớn vì bị bỏ rơi thì tình yêu vẫn tồn tại, hiện hữu ở đó để chờ những người yêu nhau ngã vào. Tuấn hứa với Thảo rồi đánh bài chuồn, điều đó đâu có nghĩa là Phi bồ Vi không có quyền hứa.

Khi nhịp sống càng nhanh và bận rộn, đồng ý rằng, ai ai cũng có nhu cầu tìm cho mình những người bạn đồng hành trưởng thành và đủ tin tưởng. Thế nhưng, nghiêm túc và thực tế không đồng nghĩa với việc chối từ, cự tuyệt những lời đắm đuối khi yêu.

Con gái vốn yêu bằng tai mà! Trong sự say đắm ở “giây phút này”, mỗi công chúa đều có quyền tin vào lời thề hứa sẽ lột xác lúc bình minh của chàng hoàng tử ếch. Nàng tin thôi, cũng đủ động lực khiến chàng có thêm can đảm để chịu đựng cơn đau đớn trong đêm dài.

Vi bảo Cầm: “Dù chị Thảo nói gì, em vẫn vui khi nghe những lời hứa của Phi…”.

Đàn ông tốt không mang "họ hứa"

Lời hứa có gì sai trái nếu nó là động lực, tiếp sức cho người đang yêu? (Ảnh minh họa)

Quyền được hứa

Tôi nhiều lần định nhắn với Thảo: “Có những điều không biết trân trọng thì sẽ mất đi, nhưng có những chuyện, rõ ràng là rất trân trọng, hứa hẹn sẽ giữ gìn nhưng vẫn không tài nào giữ được. Bạn không nên cấm đoán và ràng buộc các em chuyện không tin vào lời hứa!”.

Tôi mong Thảo hiểu, Tuấn, vị đại gia kia hay bất cứ người đàn ông nào khi chìm đắm trong yêu đương đều không ngại ngần một lần buông lời mật ngọt. Giây phút đó, không ai trong số họ dự cảm, trù tính cho một cuộc lìa tan.

Vậy nên khi yêu ta có thể hứa, sau khi kết hôn ta vẫn có thể hứa, miễn lời hứa được phát ra bằng tất cả tấm chân tình. Khi bên nhau, lời hứa là động lực, khi chia tay, lời hứa là kỷ niệm. Đơn giản thế thôi!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *