Du lịch Yên Tử – Hành trình trở về với chính mình

Du lịch Yên Tử - GSV Travel

Vào một ngày cuối thu, theo một trợ duyên lớn chúng tôi được cơ hội một lần nữa trở về du lịch Yên Tử – vùng đất tổ linh thiêng của Phật giáo Việt Nam.

Đã nhiều lần chúng tôi được đến đây trải nghiệm hành trình hành hương tìm về chính mình, nên trước chuyến đi có những phân vân lựa chọn giữa những cái được và mất. Nhưng rồi vượt qua tất cả, tôi đến với hành trình du lịch Yên Tử 1 ngày vì tôi thấy rằng niềm tin tâm linh là cần thiết cho tôi lúc này.

Định liệu những khó khăn nhỏ trước mắt rồi lên đường, nhưng dường như tất cả trở nên suôn sẻ hơn, thuận lợi hơn những gì chúng tôi tưởng tượng. Thế rồi những khó khăn riêng của bản thân mình không còn là vấn đề nữa…

Du lịch Yên Tử với tôi linh thiêng từ trong những điều giản dị nhất. Nhớ cảm giác lần đầu tiên bước đến nơi này trong một buổi sáng mùa đông khá lạnh, co ro trong cái áo khoác to thùng thình, sương mờ giăng khắp lối đi và thoáng đâu đây câu hát “Mênh mênh mang mang Phù vân Yên Tử…” nghe thanh âm ấy như từ ngàn xưa vọng về. Chợt thấy mọi thứ như lắng lại và trong trẻo lạ thường, tôi bắt đầu chuyến hành hương của đời mình. Lao xao rừng lá trúc xanh tươi như níu chân người, bên dưới là những đám rong rêu và hoa dại cũng nhẹ nhàng và thanh khiết. Một mình lần dò theo những bậc thang để lên núi, thoang thoáng âm thanh của núi rừng vào sáng sớm, tôi cứ bước đi từng bước một cách thanh thản và bình yên, dù lúc ấy trời còn tờ mờ sương, tôi tối thăm thẳm nhưng không tạo nên cảm giác lo sợ gì mà lại rất an lành. Vượt qua đường Tùng, những thân tùng hơn bảy trăm năm tuổi sừng sững, uy nghi, lặng lẽ vượt qua tất cả những biến cố và thăng trầm của thời gian và lịch sử. Thay bao nhiêu lớp da cằn cỗi, đau bao nhiêu biến cố, và hạnh phúc cho những tiếng kinh vang vọng giữa đại ngàn, cứ như những vị thiền sư chiêm nghiệm trong chính chân tâm của mình, cảm nhận những mạch sống đang cuộn chảy của thời đại.

Du lịch Yên Tử - GSV Travel

Khi leo lên chùa Đồng, nhìn con đường dẫn lên ngập trong mây mờ mờ, ảo ảo, lành lạnh và hoang vu. Đầu tiên là cảm giác chinh phục được bản thân mình sau khi đã vượt lên đoạn đường cao như thế. Tôi đi trong tĩnh lặng cả về tâm thức và thân thể như để cho mình được tắm trong mây, trong sương và trong cả bầu không khí đang nhuốm đặc hương thiền. Tôi tham lam như muốn cho mình thấm được nhiều nhất có thể cái không gian mênh mông đó, vì sợ rồi đây ta chẳng bao giờ có cơ hội nào để quay trở lại.

Yên Tử là Yên Tử như chính trong bản thể mà nó đang có chứ không cần phải gắn liền với chùa lớn hay những huyền thoại thiêng liêng mà con người dựng ra để nâng đỡ cho niềm tin của mình. Từ Hoa Yên, rẽ ngang rẽ dọc chúng tôi đến những nơi được xem là một phần của nội lực cho tính thiêng của Yên Tử như Am Dược Tiên, Am Ngọa Vân, Chùa Bảo Sái, Chùa Vân Tiêu, thác Vàng, thác Bạc… Một số nơi hiện nay chỉ còn lại phế tích với những bức tường rêu phong cũ kĩ giữa núi rừng nhưng tự thân đã toát lên vẽ thiền định vốn có. Qua những gì còn sót lại giúp ta cảm nhận tấm lòng của bậc tiền nhân xưa, dám từ bỏ cả ngai vàng, khoác áo cà sa hết lòng phụng sự cho những mục đích thiêng liêng và cao cả hơn. Đâu đó, những con suối vẫn chảy một cách cần mẫn như đệm vào không gian khúc nhạc thiền du dương huyễn hoặc. Tôi cảm nhận tâm trạng mình thay đổi qua từng bước chân, từng phiến thơ cứ ngân nga xao xuyến lòng của kẻ lãng du.

Kết thúc chuyến hành hương du lịch Yên Tử, mọi người trở về với bao vương vấn không nỡ rời xa vì chưa bao giờ là đủ cho một giấc mơ tâm linh thanh thiết. Hình ảnh gốc tùng ngàn năm đã chết vẫn đứng sững giữa trời, ngàn năm tưởng chừng như vĩnh cửu khi bao thế hệ người đến và đi mà nó vẫn còn đó, thế nhưng quy luật “không có gì là vĩnh cửu” vẫn mãi là vĩnh cửu. Chúng ta còn ham muốn gì để trong cuộc đời ngắn ngủi này vùi trong khổ đau, và còn kịp nhận ra lúc cần rủ bỏ mọi thứ để lắng lòng lại tu dưỡng chân tâm? Đâu đó sau lưng còn vang vọng:

Như cánh chim ngóng trời lồng lộng
Vương vấn yêu đương (ta) hứng giọt mưa nguồn
một đời khát khao rút lòng nhả kén sầu
Ta muốn hỏi một câu: Bao giờ thôi tơ vương?
Bao giờ hết tơ vương?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *