Gành Đá Đĩa – Kiệt tác tạo hóa ban tặng cho Phú Yên

Gành Đá Đĩa - GSV Travel

Với vẻ đẹp tự nhiên và cấu trúc độc đáo, gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được xem là kiệt tác mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất này. Xoay quanh thắng cảnh “độc nhất vô nhị” này, người dân nơi đây còn truyền tụng một huyền thoại hay không kém.

Vẻ đẹp huyền ảo

Để phục vụ tham quan du lịch tour hè 2018 tại danh thắng gành Đá Đĩa, công tác dọn dẹp mở rộng khu vực xung quanh danh thắng được tỉnh Phú Yên triển khai từ 1 tháng nay. Trong quá trình này, đơn vị thi công đã phát hiện nhiều vách đá dạng tổ ong, được xếp thành dãy trên vách núi nằm đối diện với gành Đá Đĩa hiện tại.

Gành Đá Đĩa - GSV Travel

Ông Bùi Văn Thành – Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Xử lý các vách đá này, trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tiến hành gạt toàn bộ phần đất bám trên bề mặt các dãy đá tổ ong để khai thác du lịch. Chưa thể xác định các vách đá này có liên quan gì đến lịch sử hay không nhưng có thể nhận định đây là các vách đá còn sót lại theo truyền thuyết hoặc dung nham núi lửa mà nay mới được phát hiện”.

Như vậy, với những phát hiện này, danh thắng gành Đá Đĩa sẽ được mở rộng với nhiều vách đá đẹp, tạo thành nhiều dãy đá lục giác tập trung. Điều này mở ra khả năng thu hút du khách tour du lịch Quy Nhơn Phú Yên đến với danh thắng ngày càng nhiều hơn cũng như cung cấp thêm những tư liệu mới cho các nhà nghiên cứu về quá trình kiến tạo của danh thắng độc đáo này.

Gành Đá Đĩa có diện tích khoảng 2km2, chỗ hẹp nhất 50m, nơi dài nhất 200m. Từ xa nhìn vào gành thấy những tầng đá lô nhô như vườn tượng của các nhà điêu khắc tài danh. Nhưng khi đến gần, gành là những trụ đá nơi cao, nơi thấp, hoặc thẳng đứng, hoặc hơi nghiêng so với mặt nước biển, tạo thành một cảnh quan rất kỳ vĩ.

Đá ở gành Đá Đĩa có màu đen huyền hoặc nâu vàng xếp thành cột, nửa chìm nửa nổi trên mặt nước biển, chồng lên nhau như có một bàn tay vô hình bê từng phiến đá lục giác, bát giác xếp chồng lên nhau vậy. Mỗi viên đá có độ dày từ 60 đến 80cm. Do đứng nhô ra biển, quanh năm sóng vỗ nên đã tạo thành những lỗ khuyết tròn láng.

Ở giữa gành có một hõm trũng, nước mưa, nước biển đọng lại lại tạo thành vũng. Xung quanh hõm nước này, đá dựng thành cột liền khít nhau.

Theo các nhà khoa học, đây là loại đá bazan hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (tỉnh Phú Yên) cách đây hàng triệu năm. Cao nguyên Vân Hòa cách vị trí gành Đá Đĩa khoảng 30km theo đường chim bay.

Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa, gặp nước lạnh đông cứng lại và xảy ra sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch. Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, cũng có những đường xiết ngang cắt cột đá thành những hình tròn, hình đa giác xếp chồng khít vào nhau như những chồng đĩa.

Kho báu biến thành đá

Xoay quanh thắng cảnh gành Đá Đĩa, người dân nơi đây còn truyền tụng một huyền thoại. Theo đó, xưa kia ở khu vực xã An Ninh Đông có một người đàn ông rất giàu có nhưng chẳng may vợ chết sớm, chưa kịp có với nhau mụn con nào. Vốn là người chung thuỷ, ông ta không tục huyền và quyết định tu tập Phật pháp.

Bao nhiêu của cải vàng bạc châu báu, phần lớn ông đều đem phân phát cho người dân trong vùng để làm kế mưu sinh. Số còn lại ông cất vào kho cạnh bờ biển với ý định là sau này khi thành đạo, số của cải ấy sẽ đem ra xây dựng chùa chiền và dâng tặng cho vị minh quân nào yêu thương con dân. Sau thời gian dài tu tập thành đạo, ông theo Phật về cõi niết bàn mà chưa kịp dùng số của cải kia cho ý tưởng tốt đẹp ban đầu.

Biết có kho của cải cạnh bờ biển, nhiều kẻ nảy lòng tham nên kéo nhau đến đây tìm kiếm, cướp bóc. Lạ lùng thay, cửa kho chỉ là những tấm ván gỗ thông thường như bao cửa nhà dân khác, tường chỉ là những phiến đá chất cao bao quanh, nhưng không tài nào cạy ra được.

Đêm này sang đêm khác, ngày này sang ngày khác, ròng rã mấy tháng trời mà tường đá, cửa gỗ vẫn không hề lay chuyển. Quá tức giận, chúng bèn dùng củi chất phủ lên kho và phóng hỏa đốt, lửa cao ngất trời nhưng cánh cửa gỗ vẫn y nguyên.

Một đêm nọ, bọn tham lam kia lại tìm đến và dùng các vật xú uế bôi lên cánh cửa gỗ rồi chất củi tiếp tục đốt. Nửa chừng bỗng xảy ra cơn gió xoáy như vòi rồng cuốn những kẻ đứng chung quanh kho của cải mất hút lên không và phát ra một tiếng nổ kinh hoàng.

Lúc này, người dân trong vùng đang ngon giấc bỗng choàng tỉnh dậy, đổ xô ra hướng bờ biển, nơi phát ra tiếng nổ. Nhưng tất cả đều chìm trong đêm tối tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng sóng biển đập đều đều vào bờ đá lao xao trong đêm tối đen như mực.

Sáng hôm sau, họ kéo nhau ra phía bờ biển thì phát hiện kho của cải của người nhà giàu kia không còn nữa. Ở đó, họ chỉ thấy những phiến đá to hình lục giác, bát giác xếp chồng lên nhau thành từng cột ngay ngắn, cao thấp khác nhau, kéo dài ra tận ngoài biển, thi gan cùng tuế nguyệt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *