Hà Nội đổi mới công tác quản lý mùa lễ hội 2019

Lễ hội đền Sóc - GSV Travel

Hà Nội có gần 1.100 lễ hội, trong đó, có những lễ hội lớn như: chùa Hương, đền Sóc, đền Hai Bà Trưng… Do lễ hội diễn ra trong thời gian dài, cho nên nhiều bất cập có nguy cơ nảy sinh như: tình trạng rải tiền lẻ bừa bãi, lạm dụng vàng mã, cờ bạc, tăng giá dịch vụ tại khu vực lễ hội. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang tích cực phối hợp với các quận, huyện, nhất là những địa phương có lễ hội lớn tiến hành đổi mới công tác quản lý, để du khách tour du xuân 2019 có một mùa lễ hội an toàn, văn minh.

Lễ hội chùa Hương - GSV Travel

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi, từ ngày 28-12-2018, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành Kế hoạch số 469/KH-SVHTT về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2019. Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị 30 quận, huyện trên địa bàn tổ chức lễ hội theo hướng tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian đồng thời tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động tổ chức lễ hội để ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi… Một nét mới của công tác tổ chức lễ hội năm nay là thành phố lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về lễ hội. Khách du lịch nếu phát hiện bất cập có thể gọi về số điện thoại 0869.295538 trực 24/24 giờ. Đại diện ngành văn hóa sẽ tiếp nhận thông tin và phối hợp các cơ quan xử lý. Số điện thoại này được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại các điểm di tích, các nơi diễn ra lễ hội.

Trong những lễ hội lớn trên địa bàn, được quan tâm nhất vẫn là lễ hội chùa Hương tại huyện Mỹ Đức. Lễ hội diễn ra ba tháng, trong một không gian rộng và thu hút nhiều khách hành hương, cho nên dễ xảy ra các vấn đề bất cập. Năm nay, ban tổ chức tiếp tục cấm việc treo thịt thú rừng tại các nhà hàng chung quanh di tích, gây phản cảm; đồng thời cấm hoàn toàn việc kinh doanh tại khu vực nội tự các chùa, động. Việc kinh doanh cũng không được tiến hành tại các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn… Mùa lễ hội năm nay, có 4.000 đò hoạt động trên suối Yến để đưa đón khách. Các chủ đò tham gia vận chuyển khách được tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo đảm yêu cầu về an toàn đường thủy. Các đò phải được trang bị phao cho du khách, bố trí giỏ đựng rác. Đối với các khu vực tổ chức dịch vụ, có 318 gian hàng được phép hoạt động. Đến nay tất cả 318 hộ kinh doanh tại các gian hàng đều đã ký cam kết bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm và các nội dung khác theo yêu cầu của Ban tổ chức. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết: Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương – văn minh du lịch”, huyện Mỹ Đức đã lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo, phân công công việc cụ thể cho từng tiểu ban, gồm: văn hóa – xã hội, kinh tế – tài chính, an ninh trật tự, quản lý di tích – thắng cảnh và vệ sinh môi trường… Toàn bộ khu ăn uống được di chuyển ra khỏi khu vực từ điểm mua vé đến động Hương Tích để bảo đảm cho người dân đi lễ được hưởng không gian thanh tịnh. Huyện phối hợp với Công an thành phố tổ chức việc phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách tham quan.

Lễ hội đền Sóc - GSV Travel

Lễ hội đền Sóc tại huyện Sóc Sơn, từ mồng 6 đến 8 Tháng Giêng (âm lịch) cũng từng là “điểm nóng”, khi xảy ra tình trạng cướp lễ vật dâng Thánh như giò hoa tre, trầu, cau… Rút kinh nghiệm từ việc “cướp lộc” trên đường đi và lộn xộn khi phát lộc tại đền Hạ, Ban tổ chức Lễ hội đền Sóc đã tham khảo ý kiến người dân địa phương và thay đổi hình thức tán lộc từ năm 2018. Sau khi tế lễ, toàn bộ giò hoa tre không rước xuống đền Hạ, mà được đưa vào hậu cung, chia nhỏ và phát lộc vào thời điểm thích hợp. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: “Việc đổi mới nghi thức phát lộc nhằm bảo đảm tính tôn nghiêm, văn minh nơi thờ tự. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động vui chơi, giải trí với các trò chơi dân gian lành mạnh để đáp ứng nhu cầu trảy hội của người dân”.

Đối với lễ hội Gò Đống Đa, Xuân Kỷ Hợi cũng là dịp kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Quận Đống Đa tổ chức lễ hội trong ngày mồng 5 tháng Giêng tại Công viên văn hóa Đống Đa. Cùng với việc tăng cường lực lượng bảo đảm an toàn, lễ hội sẽ tăng cường một số hoạt động ở cả phần lễ và phần hội, kết hợp với công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

Cũng trong những ngày đầu xuân còn có lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh, diễn ra từ ngày mồng 6 đến 10 tháng Giêng, kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, là một lễ hội lớn, thu hút đông đảo khách thập phương. Nhiều năm qua, lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra trong không khí trang nghiêm, đậm chất truyền thống. Điều đó có được do sự phân công, phân nhiệm các đơn vị rõ ràng, cùng với vận động người dân chấp hành tốt các quy định về văn minh nơi thờ tự. Đây luôn được coi là mô hình tiêu biểu mà các địa phương khác nên học hỏi để triển khai, nhằm bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *