Kế hoạch chi tiết bảo đảm an ninh cho mùa lễ hội 2018

Những năm gần đây, lượng khách hành hương đến với những lễ hội lớn rất đông. Kèm theo đó là những bất cập trong công tác quản lý, từ vấn đề giá cả hàng hóa, dịch vụ, cho đến việc đốt vàng mã, chỗ gửi xe… Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang tích cực phối hợp các địa phương để có một mùa lễ hội an toàn, văn minh.

Mỗi năm, trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra 1.206 lễ hội lớn, nhỏ. Trong đó, tập trung nhất vào dịp đầu Xuân, nhất là vào tháng Giêng. Những lễ hội như: Ðền Sóc (huyện Sóc Sơn), chùa Hương (huyện Mỹ Ðức), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)… là lễ hội của vùng, thu hút hàng trăm nghìn khách hành hương tour lễ hội 2018, khách du lịch trong nước, quốc tế tham gia. Bảo đảm hoạt động lễ hội an toàn, văn minh, hạn chế các hoạt động mê tín, dị đoan là vấn đề hết sức nan giải.

Ở lễ hội đền Sóc (từ mồng 6 đến 8 tháng Giêng), vài năm trở lại đây diễn ra tình trạng cướp lộc. Lễ hội đền Sóc gồm nhiều làng trong vùng tham gia. Các làng tổ chức dâng lễ vật là giò hoa tre, trầu cau, voi chiến… Sau khi dâng lễ, Ban Tổ chức sẽ phát lộc. Cách đây vài năm, việc tranh cướp lộc đã gây nên cảnh tượng hỗn loạn, bạo lực khiến một số người bị thương. Thậm chí, có năm, lễ vật được rước từ đền Thượng xuống đền Hạ bị “cướp” ngay giữa đường. Tại lễ hội tổ chức dịp Xuân Ðinh Dậu 2017, để bảo đảm an toàn cho các mâm lễ vật, Ban Tổ chức đã phải huy động lực lượng bảo vệ dày đặc. Mặc dù vậy, khi phát lộc, tình trạng tranh cướp vẫn xảy ra.

Ðể chuẩn bị cho mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018, các địa phương đã sớm lên kế hoạch, chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức. Với lễ hội đền Sóc, Ban Tổ chức đã bàn bạc với các thôn làng của huyện Sóc Sơn, Sở Văn hóa và Thể thao về công tác tổ chức. Mặc dù việc gìn giữ các nghi thức theo nguyên bản là hết sức cần thiết, song, để phù hợp tình hình, bảo đảm an ninh trật tự, Ban Tổ chức đã thống nhất với các bên có một số thay đổi. Cụ thể: Phần lễ sẽ được đẩy lên sớm hơn, ngày mồng 6 tháng Giêng đánh trống khai hội từ 6 giờ 45 phút; 7 giờ bắt đầu phần tế lễ. Các lễ vật sau khi dâng sẽ được đưa vào hậu cung đền Thượng. Ban Tổ chức yêu cầu không tổ chức rước lễ vật từ đền Thượng xuống đền Hạ. Việc không tổ chức đoàn rước sẽ giảm lực lượng bảo vệ, tránh việc tranh cướp có thể xảy ra trên đường đi. Ban Tổ chức vẫn sẽ phát lộc, nhưng dự kiến sẽ thay đổi hình thức tổ chức. Việc không tổ chức đoàn rước được dư luận ủng hộ, vì mục tiêu lễ hội an toàn, văn minh.

Diễn ra từ mồng 6 tháng Giêng và kết thúc vào tháng 3 Âm lịch, lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất, kéo dài nhất cả nước. Hầu như năm nào lễ hội chùa Hương cũng xảy ra tình trạng khách hành hương tour chùa Hương bị “chặt chém”; tình trạng đổi tiền lẻ, lạm dụng đốt vàng mã diễn ra phổ biến. Từ cuối năm 2017, UBND huyện Mỹ Ðức đã họp bàn với chính quyền các xã ở khu vực chùa Hương, Trụ trì nhà chùa về kế hoạch tổ chức. Dự kiến, chùa Hương sẽ không tiến hành phát lộc để phòng ngừa tình trạng chen lấn, tranh cướp lộc. Ðặc thù của lễ hội chùa Hương là khách phải đi đò qua suối Yến. Lễ hội xuân Mậu Tuất 2018 có 4.500 đò tham gia chở khách. Các đò đều phải được trang bị sáu phao cứu sinh, trang bị giỏ đựng rác. Ban Tổ chức sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh của các chủ đò. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Ðức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương khẳng định: “Ban Tổ chức lễ hội sẽ cử người hướng dẫn khách tham quan đặt lễ đúng nơi quy định; thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm những vi phạm, không để tồn tại các tệ nạn như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan… Những trường hợp cố tình ép giá, ép khách, nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng của khách, tranh giành khách, dẫn khách trốn vé sẽ bị xử lý nghiêm. Ban Tổ chức lễ hội yêu cầu không quảng cáo và chế biến thực phẩm từ động vật hoang dã, không treo móc thịt các loại trước cửa hàng tránh gây phản cảm”.

Lễ hội kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Ðống Ða vào ngày mồng 5 Tết nhằm tôn vinh công lao và khí phách của người Anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ là lễ hội lớn diễn ra trong khu vực nội thành. Phó Chủ tịch UBND quận Ðống Ða Phan Hồng Việt cho biết, quận đã xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng chống ùn tắc tại khu vực chung quanh Công viên văn hóa Ðống Ða; hướng dẫn sắp xếp xe ô-tô, phương tiện giao thông của người dân, khách dự lễ. Ðồng thời, tăng cường công tác an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, xử lý nghiêm các trường hợp chơi cờ bạc, mê tín dị đoan.

Trước mùa lễ hội năm 2018, UBND thành phố đã có văn bản gửi lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương theo dõi diễn biến trong các lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, nhất là các lễ hội lớn như gò Ðống Ða, chùa Hương, đền Hai Bà Trưng, đền Sóc,… Ngày 2-2, tại Hội nghị Báo cáo công tác quản lý lễ hội năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã thẳng thắn thừa nhận, cùng với những thay đổi tích cực thì hoạt động lễ hội vẫn còn một số tiêu cực như: Vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, chưa có quy hoạch đối với các hàng quán tại lễ hội, các hình thức cờ bạc chưa được giải quyết triệt để, loạn giá trông giữ xe… Ðồng chí đề nghị trong năm 2018, các sở, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, lĩnh vực liên quan đến công tác tổ chức lễ hội; giao các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về các nội dung trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, nhất là an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, phòng, chống cháy nổ, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các lễ hội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *