Khám phá nét độc đáo của chùa Hưng Long

chùa Hưng Long - GSV Travel

Lâu nay, nhắc đến “chùa dơi”, nhiều người nghĩ đến Sóc Trăng. Mà cũng phải, dơi ở đây to, nhiều đến mức du khách quên cả tên khai sinh (Mã Tộc – Mahatup) để gọi là Chùa Dơi. Nhưng ở An Giang cũng có ngôi chùa được hàng ngàn dơi quạ chọn làm tổ ấm gần 30 năm. Thậm chí còn độc đáo hơn với quy luật đi – về vô cùng đặc biệt…

chùa Hưng Long - GSV Travel

Từ bến đò Trà Ôn (phường Bình Khánh), xuống phà sông Hậu, đến xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), du khách tour du lịch miền Tây 4 ngày dễ dàng đến Chùa Dơi ngay câu hỏi đầu tiên: “Đi thẳng hướng về Khu Lưu niệm Bác Tôn, độ 4km, tới cầu Rạch Chùa, quẹo phải…” .Tất cả như cho thấy người dân ở đây không chỉ hiếu khách mà còn rất tự hào về danh thắng quê mình. Không hoành tráng, lại nằm cuối con rạch nhỏ với lộ nông thôn be bé, nhưng chùa Hưng Long có sức hút “khó nơi nào có được”. Không chỉ vì nơi đây lưu giữ những pho tượng gỗ trăm năm tuổi mà còn vì trong vườn chùa có đàn dơi lạ. Dơi ở đây nhiều đến mức đứng cách xa hàng chục mét vẫn có thể nghe rõ tiếng líu ríu và cả tiếng vỗ cánh bành bạch. Càng đến gần, âm thanh này càng âm vang. Rất ngẫu nhiên, lúc tôi đến đã thấy, hai lão nông là Nguyễn Văn Út và Ngô Văn Hai từ phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) vừa tới. Tuy vào tuổi xưa nay hiếm và đã đến đây nhiều lần, nhưng mỗi khi có điều kiện là đôi bạn già lại kéo nhau sang đây. “Mỗi lần đến là một lần thú vị nên đi rồi mà vẫn cứ muốn đến hoài” – ông Ngô Văn Hai chia sẻ.

Trong lúc 2 vị khách ngồi thả mắt lên bầu trời rợp cánh dơi bay, tôi lặng lẽ khám phá. Vừa bước khỏi hậu tự, trước mắt tôi là hàng trăm hàng nghìn con dơi treo lủng lẳng. Sở dĩ nói treo là vì dơi không đứng thẳng trên cây như các loài chim mà chỉ dùng chân móc vào cành, nhánh rồi trút thân xuống. Tại khu vực hàng chục cây danh mộc, gồm: Sao, dầu… có tuổi đời cả trăm năm, cao hàng chục mét, cành nhánh vươn cao, tạo không gian thoáng đãng… là thế giới của những dơi là dơi. Dơi treo trên cành, dơi treo trên nhánh, dơi chen lên đến tận ngọn cây… Thấy có khách, ông Huỳnh Văn Bảy (73 tuổi) – quản tự – bước tới chào. Và như đã thành thói quen, ông trực tiếp hướng dẫn tôi tham quan. “Dơi ở đây to quá…” – vừa nghe tôi xuýt xoa, ông Bảy giải thích ngay: “Dơi quạ nên con nào cũng to”. Theo ông Bảy, sở dĩ kêu là dơi quạ vì dơi ở đây to như con quạ. “Mấy năm trước, vì lý do khách quan, một con dơi trưởng thành rơi xuống đất. Trước khi Phật tử mang đi chôn, đã cân, đo thử, xác định con dơi nặng 1kg, sải cánh dài đến 1,2m. Ông Bảy cho biết, năm trước để xác định số lượng đàn dơi, ông cùng vài Phật tử, chia nhau đếm thử và xác định trong vườn chùa có đến trên 3.000 con. Để giúp tôi hình dung hết quy mô của đàn dơi, ông Bảy cho biết, 2 năm trước, một nhóm dơi chen nhau trú ngụ làm tét một nhánh của cây dầu cổ thụ. Nhánh cây to đến mức làm sập mái ngôi tịnh thất…

Từ ngày dơi về cư trú, nhà chùa và Phật tử lấy làm vui với điềm tốt: “Đất lành chim đậu”. Và cũng như Chùa Dơi ở Sóc Trăng, dần dần cái tên “khai sinh”: Chùa Hưng Long đã nhường chỗ cho tên Chùa Dơi. Chùa tạm “ẩn” tên, nhưng bản đồ du lịch An Giang lại nổi lên “điểm đến” mới.

Những ngẫu nhiên kỳ lạ

“Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng hết sức kỳ lạ”- ông Bảy như mê hoặc du khách tour du lịch miền Tây giá rẻ về sự kiện dơi về chùa cư trú – “Khi cả xã Mỹ Hòa Hưng đang tưng bừng chuẩn bị lễ kỷ niệm 100 ngày sinh Bác Tôn (1888 – 1988) thì đàn dơi kéo nhau về chùa”. Lúc đầu chỉ vài trăm con, chúng đến đậu trên các nhánh cây cổ cụ trong vườn chùa. Sau một lúc đâu, lại bay đi. Rồi lại bay về, bay đi… như thám thính tình hình. Cứ thế, suốt mấy ngày liền, chúng mới lũ lượt kéo cả ngàn con về treo mình trên các nhánh cây sao, cây dầu cổ thụ, cao hàng chục mét, rồi đua nhau kêu líu ríu, thỉnh thoảng lại đập cánh bay… Đặc biệt là chập tối, khi trời vừa nhạt nắng, chúng lại rộ lên trước khi bủa đi khắp nơi đến mờ sáng mới kéo nhau về. Đây là chuyện chưa từng được ghi nhận trong suốt lịch sử ngôi chùa có hơn 200 tuổi này. Tích xưa truyền rằng, ban đầu chùa cất bằng cây lá, được người dân gọi là chùa Chư Vị theo danh xưng của vị sư khai sơn. Đến năm 1936, vị trụ trì đời thứ 4 mới cho xây cất kiên cố. Gần đây Phật tử mới đóng góp chỉnh trang nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng năm 1936. “Lạ hơn là tuy dơi về rất đông, nhưng không hề gây mùi hôi. Đặc biệt là không hề nghe nhà vườn quanh chùa phàn nàn dơi trong chùa ăn, phá cây trái” – ông Bảy tua lại thước phim kỳ thú – “Mãi sau này, qua theo dõi, mới xác định đàn dơi chỉ thích ăn trái của cây gáo – loại cây mọc tự nhiên rất nhiều ở cù lao Mỹ Hòa Hưng”.

Và điều này gắn liền với câu chuyện di trú cũng vô cùng kỳ thú của chúng. Sau thời gian hội tụ về cư ngụ, bỗng đàn dơi lũ lượt kéo nhau đi hết trong sự ngỡ ngàng của nhà chùa và người dân xung quanh. “Cứ tưởng sẽ bỏ đi luôn, nhưng đến tháng 5 âm lịch năm sau, gáo vào mùa trái chín, chúng lại trở về. Rồi đến tháng 11, mùa gáo hết trái, chúng lại ra đi. Cứ thế đến nay đã 30 năm” – ông Bảy cho biết thêm – “Gần đây, sau khi dơi kéo đi thì có đàn cò cũng hàng trăm con kéo đến trú ngụ. Và khi sắp đến thời điểm dơi về, đàn cò lại bay đi. Cứ thế, chúng luân phiên nhau trú ngụ trong vườn chùa”.

Đàn dơi, đàn cò ở Chùa Dơi An Giang từ đâu đến và đi đâu, theo quy luật gì là câu hỏi cần được giới chuyên môn giải thích. Nhưng, trước mắt, câu chuyện dơi – cò lần lượt về ngụ vườn chùa, đẹp như bông hoa đã và đang làm cho “Vườn hoa du lịch An Giang” nói riêng, ĐBSCL nói chung thêm hương sắc mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *