Những “hạt sạn” còn tồn tại của lễ hội chùa Hương 2018

Khai hội chùa Hương - GSV Travel

Mặc dù Ban tổ chức đã khẳng định sẽ siết chặt kỷ cương, đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) nhưng tình trạng chặt chém, chèo kéo khách, chen lấn, giành giật, hàng quán bát nháo, xả rác bừa bãi… vẫn xảy ra, khiến du khách không khỏi phiền lòng khi hành hương về tham quan, lễ Phật.

Theo đánh giá của nhiều du khách, mùa lễ hội năm nay, mặc dù Lễ hội chùa Hương đã được tổ chức tốt hơn mọi năm, nhưng vẫn còn để tồn tại một số “hạt sạn” khiến du khách tour du xuân 2018 không khỏi buồn lòng.

Trước giờ khai hội chùa Hương, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2018 khẳng định, để đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội, lực lượng chức năng huyện Mỹ Đức sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình ép giá, các tệ nạn xã hội. Đối với dịch vụ trông giữ xe, UBND huyện Mỹ Đức sẽ xiết chặt, tránh tình trạng chặt chém.

Ngay sau khi khai hội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cũng có công văn đề nghị Sở VH&TT TP Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương thực hiện kiểm tra, rà soát công tác tổ chức Lễ hội chùa Hương 2018, đặc biệt chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi tham gia hoạt động lễ hội diễn ra.

Bên cạnh đó, không để các hiện tượng đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, “chặt chém” trông giữ xe, đánh bạc, mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ diễn ra tại lễ hội.

Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa phải ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không tăng giá, ép giá du khách, không bày bán thịt động vật hoang dã.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn kết, sau khi chính thức khai hội chùa Hương (ngày 21/2/2018, tức mùng 6 Tết), Ban tổ chức lễ hội quy định không phát lộc, do đó không còn cảnh chen lấn, xô đẩy cướp lộc dẫn đến hỗn loạn như các năm trước.

Lượng du khách còn quá đông người dồn về cùng lúc, du khách tour chùa Hương 1 ngày có thể di chuyển một cách dễ dàng tại các con đường, lối lên đền, chùa trong khu vực chùa Hương.

Khai hội chùa Hương - GSV Travel

Khảo sát tại chùa Hương, chúng tôi thấy vẫn nhiều những cảnh “nhức mắt”. Mới đặt chân đến các cửa ngõ để vào chùa Hương đã có đội quân xe ôm đuổi theo các ô tô, xe máy hướng đường về chùa Hương để chèo kéo, mời chào khách đi đò và các dịch ngủ nghỉ, ăn uống, gây mất an toàn giao thông.

Nhiều du khách cũng phản ánh rằng giá gửi xe máy, ô tô cao hơn ngày thường gấp nhiều lần, điều này khiến nhiều người du khách bức xúc.

Theo khảo sát tại nhiều điểm gửi xe ở khu vực Bến Đục, Suối Yến… giá vé gửi xe máy trong ngày là 20 nghìn đồng/xe, còn xe ô tô thì có giá 50 nghìn đến 60 nghìn đồng. Các cửa hàng ăn uống, dịch vụ ở khu vực lễ hội chùa Hương cũng tự ý nâng giá nhiều mặt hàng.

Năm nay, các đò ở chùa Hương được gắn biển số để Ban quản lý kiểm soát. Theo đó, giá vé cho tuyến chính đền Trình – Thiên Trù – Hương Tích là 130.000 đồng/khách.

Giá vé cáp treo là 160.000 đồng/vé khứ hồi, 100.000 đồng/vé 1 lượt đối với người lớn và 100.000 đồng /vé khứ hồi, 70.000 đồng/vé 1 lượt dành cho trẻ em.

Mặc dù, Ban tổ chức đã niêm yết giá vé đi đò vào tham quan khu di tích chùa Hương, nhưng lợi dụng lúc đông khách, hoặc người tỉnh xa đến, nhiều người lái đò đã tự ý hét giá đi đò cao hơn so với giá niêm yết.

Hay nhiều lái đò “vòi” thêm tiền công chở đò ngoài mức giá quy định. Khi không vòi được, nhiều người lái đò buông ra những câu nói tục tĩu khiến du khách phiền lòng. Đã vậy, các chủ đò chở quá số người quy định, không trang bị áo phao cứu sinh khiến nguy cơ xảy ra tai nạn trên sông nước rất cao.

Tại khu vực chùa Hương, du khách cũng không khỏi “nhức mắt” khi các hàng quán bày bán la liệt khắp nơi, thậm chí tràn ra cả lối đi.

Tại khu vực đền Trình, nhiều hàng ăn, quán nước bày bán tràn lan ở khu vực sân Đền, mặc dù Ban tổ chức đã cắm biển cấm bán hàng.

Điều đáng ngạc nhiên là sự việc diễn ra rất công khai, nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý.

Ngoài ra nhiều du khách chưa có ý thức đã xả rác bừa bãi, nhiều khu, lượng rác quá lớn chất đầy các gốc cây, cột điện, nổi đầy suối Yến… khiến khung cảnh trở nên nhếch nhác, bốc mùi hôi thối. Mặc dù nhân viên vệ sinh làm việc dọn rác liên tục, nhưng không xuể.

Thêm vào đó, tình trạng bày bán thịt thú rừng cũng diễn ra khá phổ biến. Khi du khách vào các hàng quán hỏi thịt thú rừng như cầy hương, cáo, hươu, chồn, nhím, nai… sẽ được các nhà hàng phục vụ ngay.

“Nơi thiêng liêng, cõi Phật mà người ta sát sinh, xẻ thịt, bày bán nhan nhản động vật, thú rừng… kiếm lợi luận từ việc sát sinh thú rừng như vậy là điều khó có thể chấp nhận được. Du khách chúng tôi cảm thấy rất nhức mắt, khó chịu nhưng không hiểu ban tổ chức nghĩ gì mà để tình trạng này tồn tại, không dẹp bỏ. Chúng tôi mong ngành chức năng của huyện Mỹ Đức nhanh chóng chấn chỉnh để trả lại sự tôn nghiêm và linh thiêng nơi cõi Phật…”- bà Nguyễn Thanh Huyền- một du khách trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *