PGS.TS. Trịnh Hòa Bình: “Dĩ hòa vi quý” với quấy rối tình dục là vị kỷ

Nhiều người thường không phát hiện ra mình đang bị quấy rối, hoặc biết là mình bị quấy rối nhưng cố gắng “lờ đi” vì một nguyên nhân nào đó…

Sáng qua (25/5), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam đã công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Theo đó, Bộ quy tắc đưa ra các khuyến nghị trong việc xây dựng, ban hành, thi hành và giám sát thực hiện tại nơi làm việc về quấy rối tình dục, đồng thời là cơ sở pháp lý để xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và bình đẳng; đồng thời đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Chính phủ, tổ chức sử dụng lao động, công đoàn và người lao động về thế nào là quấy rối tình dục nơi làm việc, làm thế nào để ngăn ngừa hành vi này, và nếu xảy ra thì cần làm gì?

Quấy rối tình dục, đặc biệt là quấy rối tình dục nơi công sở, vẫn được đề cập như một vấn nạn nhức nhối nơi làm việc, mà ở đó, khi mọi chuyện “quá mù ra mưa” thì tất cả mới vỡ lở, và mọi người mới biết rằng ai đó, người nào đó đang bị quấy rối tình dục.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, một nhà nghiên cứu xã hội học, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Viện Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) sẽ “giúp” độc giả “nhận dạng” các một số biểu hiện chung của hành vi quấy rối tình dục, và lý giải vì sao nhiều người bị quấy rối tình dục mà… không biết?

Quấy rối tình dục công sở là gì và đối tượng là ai?

Quấy rối tình dục là phạm trù mà theo cách suy nghĩ thông thường đòi hỏi phải có nội dung, có những đụng chạm nhất định hoặc những lời nói khơi gợi, kích thích, tác động về phương diện quan hệ giới. Và trong ứng xử, quan niệm hàng ngày của xã hội chúng ta, mọi người thường hiểu phải “nói đến nơi”, phải đụng chạm mười mươi thì mới coi đó là là hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, cách hiểu đó, quan niệm đó là sai lầm và bất cập.

Như chúng ta thấy, tất cả mọi hành động, tương tác trong đó có khơi gợi về quan hệ tính giao, về quan hệ giới thì đều được quan niệm đó là quấy rối tình dục.

Quấy rối tình dục có thể là quấy rối bằng lời nói, cử chỉ, ánh mắt, những sự đụng chạm kể cả trong phạm vi công việc lẫn ngoài công việc. Nhưng có điều những hành động đó, những tương tác đó diễn ra trong phạm vi công sở, khuôn viên của những văn phòng làm việc thì được nhìn nhận là quấy rối tình dục nơi công sở.

Quấy rối tình dục thường xem là hành vi giữa giới nam và giới nữ, song trong thời đại hiện nay, quấy rối tình dục đồng giới không phải là ngoại lệ. Và như một lẽ thường, mọi người nhìn quấy rối tình dục theo chiều thuận, theo mô hình được mặc định sẵn là giữa sếp nam và cấp dưới, nhân viên, trợ lý hay thư ký nữ. Tuy nhiên, ngày nay, thực tiễn đã thay đổi theo khía cạnh nữ giới quấy rối nam giới cũng có, và người đó là kẻ trên hay người giới cũng không loại trừ. Điều này có nghĩa là gì? Người ta có thể tận dụng một lợi thế nào đó về phương diện giới, về chức vụ, về phạm vi ảnh hưởng, về tuổi tác, về tầm quan trọng của lĩnh vực công việc mình được giao đảm nhiệm và đang thực hiện, và có xu hướng áp đặt những đòi hỏi giới, những gợi ý giới… thì đều được coi là quấy rối tình dục.

“Nhận diện” hành vi quấy rối tình dục công sở

Quấy rối tình dục công sở nói chung có nhiều kiểu, nhưng có thể “tổng quát hóa” thành các dạng dưới đây:

Quấy rối tình dục công sở “sơ đẳng và thô thiển nhất” là có những hành vi sàm sỡ, đụng chạm vào các bộ phận, những vị trí nhạy cảm trên thân thể người khác, mượn cớ công việc hoặc tranh thủ trong quá trình tương tác giao tiếp để có đụng chạm. Đó là hành vi mà mọi người có thể nhìn thấy mười mươi.

Quấy rối tình dục công sở bằng lời nói, có thể nói trực tiếp đến đối tác, hoặc nói đến sự vật, sự việc, một hiện tượng khác ở chỗ khác, vào một thời gian khác, một vị trí khác nhưng ngụ ý, ám chỉ đến phương diện giới, những gợi ý giới, những đòi hỏi giới.

Quấy rối tình dục có thể là mượn những câu chuyện lịch sử, những câu chuyện kể về người khác, hoặc là thường xuyên thêu dệt, mô tả, hoặc nhắc đến những việc giữa người này với người khác, nhưng để cho người thứ ba ở bên ngoài nghe thấy cũng là một kiểu quấy rối.

Hoặc cũng có thể nhân dịp nào đó, như “ban phát”, “trao thưởng” một cái gì đó, (người có hành vi quấy rối) có thể nêu yêu cầu, trình bày nhu cầu đó hoặc bóng bẩy, hoặc rõ ràng, hoặc ngụ ý theo kiểu… “Ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”.

Nói chung có rất nhiều kiểu, nhưng phổ biến thông thường nhất là hoặc là cấp trên, hoặc là công chức viên chức có vị thế lớn hơn, tuổi tác cao hơn, nói chuyện với nhau nhưng lại hàm ý cho người khác (ngôi thứ ba); và không loại trừ nếu “bắt được sóng” sẽ tiến tới hành vi trực tiếp và quyết liệt hơn.

Bộ quy tắc ứng xử được đưa ra chứng tỏ chúng ta đã thừa nhận trên thực tế là có hiện tượng đó một cách có tính phổ quát ở nhiều khu vực, nhiều địa hạt, nhiều lĩnh vực, ở nhiều cơ quan, nhiều trụ sở, nhiều văn phòng, từ các cơ quan nhà nước đến ngoài nhà nước có sự gạ gẫm nhằm gặt hái, thủ lợi tính giao của giới. Đây có thể là không nhất thiết thực hiện hành vi đụng chạm có tính chất thân xác vật chất cụ thể, nhiều khi chỉ là nói kể chuyện nhằm thỏa mãn về một phía thì đó cũng là quấy rối tình dục.

Không biết bị quấy rối tình dục… vì sao?

Việc Bộ quy tắc ứng xử được đưa ra chứng tỏ chúng ta đã thừa nhận trên thực tế là có hiện tượng đó một cách có tính phổ quát ở nhiều khu vực, nhiều địa hạt, nhiều lĩnh vực, ở nhiều cơ quan, nhiều trụ sở, nhiều văn phòng, từ các cơ quan nhà nước đến ngoài nhà nước, tồn tại sự gạ gẫm nhằm gặt hái, thủ lợi tính giao của giới. Đây có thể là không nhất thiết thực hiện hành vi đụng chạm có tính chất thân xác, vật chất cụ thể, nhiều khi chỉ là nói kể chuyện nhằm thỏa mãn về một phía thì đó cũng là quấy rối tình dục.

Thực ra, việc đưa ra Bộ quy tắc ứng xử vào thời điểm này là muộn, song “muộn còn hơn không”. Có điều, trong một không gian xã hội với sự ảnh hưởng nhiều của văn hóa Nho giáo, văn hóa Đông Á, người ta vẫn hay nhìn nhận rằng nếu mô tả bằng lời nói, cử chỉ, ánh mắt thì vẫn chưa “phương hại” bao nhiêu. Và vì thế, chưa cần thiết phải phê phán, lên án hành vi này?

Nhiều người thường không phát hiện ra mình đang bị quấy rối, hoặc biết là mình bị quấy rối nhưng cố gắng “lờ đi” vì một nguyên nhân nào đó. Ở đây là trường hợp quấy rối theo chiều thuận đưa lại từ phía kẻ trên đến người thấp hơn, chứ chưa nói đến việc quấy rối đến từ những người có vị thế thấp hơn – một cách tương đối như thế nào đó – với người “lớn hơn”.

Người ta thường thừa nhận một cách dễ dàng hơn những hành vi hoặc có kết quả cụ thể, hoặc phơi bày ra trước mắt mọi người, hoặc tính chất vị kỷ về phương diện giới quá lố bịch, quá cụ thể thì cộng đồng xã hội mới lên án, kết tội, phê phán hay tẩy chay. Chắc chắn rằng có một bộ phận cũng xuất phát từ quan niệm này nên đôi khi “bỏ qua” những gợi ý, những hành vi, những ánh mắt, cử chỉ, tương tác nào đó có ý hướng của sự quấy rối tình dục.

Có những người chủ quan rằng mình có đủ sức tránh, đủ khả năng để “lượn tròn, lượn khéo” phòng tránh, “dĩ hòa vi quý” và xét đến cùng cũng là vị kỷ, cũng để giữ gìn lợi ích nhỏ hẹp của mình. Họ không muốn mất đi, không muốn đối đầu, không dám tin điều đó là có thật, muốn “gói nhỏ” nó lại, “khu trú” lại để không phương hại đến mọi người, đến bản thân mình. Họ ngại bị thiệt thòi, bị kỳ thị, bị săn đuổi mạnh mẽ hơn, ngại bị thiệt hại do dám chống trả người trên v.v… và v.vv…

Có người thì cho rằng chuyện ấy là chuyện thường, quan trọng là mình có bị “sa hầm sảy hang” hay không. Và điều đó cũng cho thấy một “thái độ thỏa hiệp” giữa những người gạ tình, những người quấy rối và bị quấy rối trong phạm vi công sở và văn phòng.

Và do vậy, do nhiều người không biết mình bị quấy rối nên không có sự giáng trả, không có sự phê phán, không có sự biểu đạt thái độ tình cảm một cách trực tiếp và rõ ràng. Chính điều này đã “tiếp tay”, “nuôi dưỡng” những hành vi quấy rối tình dục tiếp tục phát triển và ở cấp độ – có thể – ngày càng cao hơn…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *