Thành đôi nhờ tình online

Thành đôi nhờ tình online

Bốn năm trước, cuộc trò chuyện trên một ứng dụng hẹn hò đã đưa Mỹ Linh (25 tuổi) đến với cuộc sống ở Mỹ, bên người chồng hết lòng thương yêu.

Đến giờ, những lúc ngắm chồng bế con trai vừa sinh trên tay, cô tưởng mình đang mơ. “Nếu không có ứng dụng hẹn hò, có lẽ tôi và anh chẳng bao giờ biết nhau chứ đừng nói là vợ chồng”, cô gái sinh ra trong gia đình 6 anh chị em ở Đức Trọng, Lâm Đồng, kể.

Năm 2018, Mỹ Linh làm công nhân may ở TP HCM. Ngoài giờ làm, cô theo học một khóa tiếng Anh, thi thoảng đến phố Bùi Viện bắt chuyện với người nước ngoài, làm hướng dẫn viên miễn phí cho họ để học giao tiếp. Được giảng viên và các bạn ở trung tâm giới thiệu một ứng dụng hẹn hò giúp kết nối với người nước ngoài, cô tải về. Trên ứng dụng đó, Linh quen William, chàng trai người Mỹ tốt nghiệp đại học y.

Cô kết nối với anh vì muốn học thêm nhóm từ vựng chuyên ngành này. Họ trở thành bạn dù chưa từng gặp mặt. Những thăng trầm, buồn vui trải qua, Mỹ Linh đều chia sẻ với người bạn Mỹ. Anh cũng dần hình thành thói quen lắng nghe, tâm sự với cô gái cách nửa vòng trái đất mỗi ngày. Họ cảm mến nhau lúc nào chẳng biết.

Thành đôi nhờ tình online

Ngọc Quang và Hiền Hòa thành đôi nhờ ứng dụng hẹn hò, có cuộc hôn nhân hạnh phúc bên con gái. Ảnh: Trần Hiền Hòa

Không phải xa nửa vòng trái đất mới tìm hạnh phúc, Ngọc Quang (28 tuổi, ở Hà Nội) tìm được tình yêu với cô gái bằng tuổi ở chính nơi mình đang sống, cũng nhờ ứng dụng hẹn hò.

“Hồi đó tôi chia tay mối tình ba năm nên buồn, tải app hẹn hò về tìm bạn trò chuyện cho đỡ buồn. Thấy ai tôi cũng quẹt phải, nhưng chẳng nhắn tin”, Ngọc Quang nhớ lại chuyện năm 2018. Biết anh dửng dưng, một người bạn lấy điện thoại Ngọc Quang nhắn tin bừa cho một người. Không ngờ, người đó lại chính là vợ anh bây giờ.

Vợ chồng Mỹ Linh hay Ngọc Quang thuộc nhóm 51% người dùng Gen Z đang sử dụng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến khác nhau, theo khảo sát của Tinder, từ 6/2020 đến tháng 6/2021.

Theo kết quả được công bố tháng 2/2022 bởi hãng nghiên cứu thị trường Đông Nam Á, Decision Lab, người Việt tham gia khảo sát dùng ứng dụng hẹn hò khá thường xuyên, gần 30% sử dụng mỗi ngày, 19% truy cập hai, ba lần mỗi tuần, 15% sử dụng 6-7 lần mỗi tuần.

Trái với quan niệm ứng dụng hẹn hò “là nơi để chơi bời không nghiêm túc”, theo Decision Lab, người trẻ dùng ứng dụng chủ yếu làm quen bạn mới (48%), tìm kiếm nửa kia (39%), tìm mối quan hệ lâu dài (35%), thiết lập mạng lưới mối quan hệ (34%), bạn tình (24%), cuối cùng mới là tình một đêm (15%).

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (Trung tâm Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục An Nhiên, TPHCM) cho rằng ứng dụng hẹn hò khá tiện lợi cho những người trẻ hiện đại bận rộn, không phải lúc nào cũng có thời gian cho những buổi gặp gỡ trực tiếp. “Ứng dụng cũng giúp người dùng tiết kiệm thời gian vì chọn lọc được đối tượng hẹn hò đúng tiêu chuẩn mình hướng đến, ở bất kỳ đâu”, ông Huân nói.

Ngoài ra, ứng dụng hẹn hò rất phù hợp với những người hướng nội, ngại hoặc không dễ gặp mặt, thân thiện với người lạ.

Nguyễn Minh Nguyệt (32 tuổi, quản lý phát triển kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia ở Hà Nội) là một trong số đó. Là mẹ đơn thân, chị bận rộn và cũng chẳng muốn yêu đương.

Lần đầu dùng ứng dụng, chị không biết cứ hai người cùng quẹt phải sẽ nhắn tin được với nhau. Thế nên sau khi bị “lụt” trong tin nhắn, Nguyệt hoảng hốt, định xóa ứng dụng thì thấy lời kết bạn của một chàng trai người Pháp, tên Florian. Trò chuyện, thấy người đàn ông lịch sự, thấu hiểu, chị dần có thiện cảm. Bao nhiêu tâm sự thầm kín, Nguyệt đều có thể giãi bày cùng người lạ, vốn là bác sĩ tâm lý.

Họ gặp mặt trực tiếp trong chuyến đi chơi cùng nhóm bạn Florian ở Hội An. Mùa hè năm 2020, họ tỏ tình online, khi chàng trai đã về nước.

Thành đôi nhờ tình online

Chị Minh Nguyệt và chồng trong chuyến nghỉ dưỡng trước đám cưới, tháng 1/2023. Ảnh nhân vật cung cấp

Chuyên gia tâm lý Minh Huân cho rằng các ứng dụng hẹn hò chỉ hỗ trợ bước đầu tiên là làm quen, tất cả các bước khác trong quá trình tìm người yêu đều cần phải tiến hành bình thường. “Để tìm được tình yêu đích thực, bạn trẻ ngày nay ngoài công nghệ, vẫn phải kết hợp con tim và lý trí”, chuyên gia nói.

Mỹ Linh ban đầu cũng không nghĩ đến với người đàn ông cách nửa vòng trái đất. Khi anh nói sẽ đến Việt Nam cô vẫn chẳng để tâm vì nghĩ tình cảm trên mạng khó tin.

Nhưng sau một năm quen nhau, tháng 6/2019, Wiliam đáp chuyến bay đến TP HCM, ở lại nửa tháng. Anh theo cô gái về quê dự một đám cưới người thân của Mỹ Linh. Trong đám cưới đó, chàng trai người Mỹ phụ bưng mâm, rửa chén, dọn dẹp. Anh tập ăn cơm bằng đũa, học tiếng Việt để trò chuyện với gia đình cô gái Việt. Chàng trai chăm sóc cô khi mệt, còn hơn cả người thân trong nhà.

Sau 15 ngày bên nhau, cuối cùng William cũng nhận được cái gật đầu của cô gái Việt. Tháng 9/2019, anh cùng gia đình trở lại Việt Nam, mang lễ đến hỏi cưới Mỹ Linh.

Thành đôi nhờ tình online

Mỹ Linh (phải) bên mẹ đẻ, chồng và con trai mới sinh ở Mỹ. Ảnh: Linda

Khác với chồng, vợ Ngọc Quang dùng ứng dụng hẹn hò nhiều năm, kết thân với một số người bạn từ đó và cũng gặp không ít kẻ chẳng ra gì. Tuy nhiên, cô vẫn tin “bà mối công nghệ” tốt hay xấu là do cách mình dùng. “Để xác suất gặp phải những kẻ đã có vợ vẫn muốn tán tỉnh gái nhà lành ít, tôi chỉ chọn kết bạn với người bằng tuổi”, cô nói.

Nói chuyện hợp nhau, Ngọc Quang và cô hẹn gặp. Sau những buổi bên nhau, thấy rung động, họ tiến xa hơn. Họ đến thăm gia đình hai bên để hiểu và thêm gắn kết. Sau một năm yêu, đôi trẻ về chung một nhà, năm 2019.

Mùa đông năm 2021, chị Minh Nguyệt sang Pháp thăm bạn trai sau gần hai năm yêu xa. Ba tháng bên nhau trải nghiệm cuộc sống thật, hai người mới quyết định kết hôn.

Chị Minh Nguyệt thừa nhận, khi tải ứng dụng hẹn hò, chị đọc các nhận xét xấu nhiều hơn tốt nên lo ngại. Nhưng nói chuyện với Florian, một chàng trai lịch thiệp, chị không “sợ bị lừa” như mọi người cảnh báo.

Những cảnh báo Minh Nguyệt đọc được không phải thiếu cơ sở. Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho biết, một số người cảm thấy lo ngại về những vấn đề như lừa đảo, rò rỉ thông tin cá nhân hoặc quấy rối. Những người này tin rằng, các nền tảng hẹn hò tạo điều kiện cho những mối quan hệ hời hợt hơn là những mối quan hệ có ý nghĩa.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) từ đầu năm đến nay đã nhận 5 email cầu cứu của các nạn nhân bị lừa đảo trên các ứng dụng hẹn hò. Các hình thức lừa đảo đa dạng, thường là lừa tình cảm hoặc tiền bạc. “Có chị bị một kẻ xưng là người nước ngoài tán tỉnh, sau đó rủ hùn vốn kinh doanh, có một bạn trai là sinh viên, một em mới học cấp ba được dụ gửi clip sex rồi bị tống tiền từ chính clip đã gửi đó”, anh Hiếu cho hay.

Thạc sĩ tâm lý Minh Huân khuyên khi lên ứng dụng hẹn hò, mọi người cần xác định mục tiêu đối tượng cần hướng tới từ đầu, tránh ai cũng tiếp cận rồi rơi vào những tình huống không mong muốn. Người dùng cũng tỉnh táo để chọn lọc đối tượng kết đôi, tìm hiểu các dấu hiệu lừa đảo, tránh thiệt thòi. “Khi sử dụng ứng dụng, đừng đặt kỳ vọng quá cao để tránh thất vọng, dẫn đến mất lòng tin vào người khác, vào ứng dụng hẹn hò”, anh Huân nói.

Chuyên gia an ninh mạng khuyên người dùng “bà mối online” nói riêng và mạng xã hội nói chung nên làm bài kiểm tra dấu hiệu lừa đảo trên website dauhieuluadao.com (thuộc trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia NCSC) để có thêm kiến thức, tránh trở thành nạn nhân lừa đảo qua mạng.

“Tuyệt đối không đưa thông tin cá nhân của mình, không chuyển tiền, không đóng tiền thuế nhận quà từ các đối tượng trò chuyện qua không gian mạng”, chuyên gia lưu ý.

Tìm được tình yêu, chị Minh Nguyệt nhận ra mục đích ban đầu của ứng dụng hẹn hò rất nhân văn, không chỉ giúp hai người tìm kiếm một mối quan hệ yêu đương, mà có thể là bạn bè, tri kỷ. “Cho nên mọi người nên cởi mở hơn, sử dụng ứng dụng bằng con tim và lý trí”, chị Minh Nguyệt đúc rút.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *