Rút ngắn thời gian tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống 10 năm
Quy định này sẽ tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Để nhiều người được hưởng lương hưu hơn, mới đây Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị về việc rút ngắn thời gian tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống 10 năm.
Theo đó, Bộ cho biết hiện rất nhiều nước đang lấy mốc 10 năm là khoảng thời gian được xem là đủ điều kiện hưởng lương hưu do đó, đã đề nghị Chính phủ sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014.
Bộ cũng cho biết, theo quy định hiện hành điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để được hưởng lương hưu là hết sức chặt chẽ, do đó dẫn tới số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.
Rút ngắn thời gian tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống 10 năm để nhiều người có lương hưu – Ảnh minh họa
Cụ thể cơ quan này cho biết, theo thống kê sơ bộ trong 5 năm cho thấy, tổng số người hưởng BHXH một lần là trên 3,7 triệu người, đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia BHXH rời khỏi hệ thống.
Như vậy chiếm trên 5% tổng số người tham gia BHXH, tương đương cứ có hai người mới tham gia vào BHXH thì có một người rời khỏi hệ thống.
Con số này được nhận định là quá lớn so với nỗ lực phát triển đối tượng tham gia BHXH của toàn ngành BHXH.
Ngoài ra nhiều địa phương cũng phản ánh số người tham gia mới không đủ bù đắp cho những người hưởng chế độ BHXH một lần do đó công tác phát triển đối tượng BHXH hiện đang gặp nhiều hạn chế.
Chính vì thế, cơ quan này đã đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu, để tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Nguồn: GDM