Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Yên Tử

Yên Tử - GSV Travel

Nằm trong cánh cung vùng núi Đông Triều, đỉnh Yên Tử cao 1.068m (tên cũ là Bạch Vân Sơn) được coi là nóc nhà chung của 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa hoàn toàn bằng đồng, tên chữ là Thiên Trúc Tự, chất liệu làm chùa bằng đồng lên gọi là Chùa Đồng. Chùa Đồng được tạo dựng vào thời hậu Lê (1780), trên phế tích một am thờ Phật chưa rõ ở niên đại nào. Tương truyền nơi đây tế trời linh thiêng đến mức “hô phong hoán vũ” được.

Vùng núi Yên Tử, nơi thái thượng hoàng Trần Nhân Tông cởi áo bào tu hành (1299) đắc đạo và lập nên thiền phái Trúc Lâm, một tôn giáo nhập thế, đậm sắc văn hóa Việt Nam. Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử như trung tâm “thánh địa” Phật giáo, dưới triền núi có nhiều chùa tháp, am thờ công trình tín ngưỡng xây dựng thời Trần. Hệ thống chùa tháp sườn Đông Yên Tử, thuộc TP Uông Bí nổi danh thế kỷ. Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều cùng ở Quảng Ninh cũng đang tỏa sáng, còn sườn Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang thì còn như chìm sâu trong giấc ngủ vạn niên.

Yên Tử - GSV Travel

Lật lại tích cũ nhà Trần, sườn Đông Yên Tử (Quảng Ninh), nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của người. Ông Hoàng Giáp – Nguyên Trưởng phòng sưu tầm của Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ tấm bản đồ thời Lê Trung Hưng, con đường bộ từ kinh thành Thăng Long đến địa đầu Móng Cái đi bên sườn Tây Yên Tử, đường quốc lộ (QL) 18a cuối triều Nguyễn mới mở. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông rời kinh thành thượng sơn từ sườn Tây Yên Tử, nhập niết bàn trên núi Ngọa Vân. Sư tổ Pháp Loa và đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây Yên Tử hành đạo Phật sự của Trúc Lâm. Các hòa thượng tiền bối Trúc Lâm cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở vùng Bắc Giang. Chứng tích với hàng trăm công trình xây dựng kiến trúc thời Trần trong trên 2000 di tích lịch sử – văn hóa ở đây. Huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động có nhiều ngôi chùa thiêng như các chùa: Am Vãi, Bình Long, Yên Mã, Sơn Tháp, Đám Trì, Hồ Bấc. Chùa Vĩnh Nghiêm, ở huyện Yên Dũng, Di tích quốc gia đặc biệt, có Mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tây Yên Tử nơi phát tích và sự hưng thịnh của Phật giáo thế kỷ XI đến XIV, từng là Trung ương của Phật giáo thiền phái Trúc Lâm.

Phật địa Tây Yên Tử không sáng danh như Đông Yên Từ, trong chuỗi nguyên nhân có hoàn cảnh địa lý thay đổi. Đường QL18a dẫn chân tăng ni Phật tử, du khách tour Yên Tử 1 ngày thập phương đến Đông Yên Tử thuận lợi. Còn Tây Yên Tử theo QL279, đường trong rừng từ huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) sang, ĐT293 từ TP Bắc Giang đến đường sá không thông thoáng ngắn độ như QL18. Quảng Ninh – Bắc Giang mới mở rộng, nâng cấp con đường tắt cắt QL18a tại Km48+500 đoạn thôn Tân Tiến, xã An Sinh, thị xã Đông Triều qua xã Trường Sơn, huyện Lục Nam dài 15,45km, bắt vào đường tỉnh 293 Bắc Giang có gần hơn đôi chút nhưng còn cheo leo. Bận tâm nhất là hệ lụy của giao thông trắc trở, sườn Tây Yên Tử thuộc huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang, rơi vào diện vùng sâu vùng xa, kinh tế – xã hội chậm phát triển. Huyện Sơn Động là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, với trên 50% dân số là đồng bào dân tộc ít người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 45%, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ bằng 37% bình quân chung cả nước. Dân lo bữa ăn còn khó, thành tâm cũng chả có mà công đức xây đền, dựng chùa.

Xuân mới, tin vui mới đến với vùng đất địa linh Tây Yên Tử, huyện Sơn Động như đón thần lộc xông nhà, đó là Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó Dự án Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử thuộc danh mục dự án ưu tiên. Tỉnh Bắc Giang xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tư kết cấu hạ tầng Tây Yên Tử là Dự án trọng điểm, xúc tiến đầu tư đến năm 2020. Chính phủ đã bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 561 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 293 từ trung tâm TP Bắc Giang đi theo sườn tây dãy núi Yên Tử qua 3 huyện Yên Dũng, Lục Nam lên đến Sơn Động (còn gọi là đường Tây Yên Tử), kết nối với QL279 (Quảng Ninh – Lạng Sơn). Xuân Mậu Tuất con đường Tây Yên Tử đã hoàn thành được 73km, đang thi công đoạn 15km kết nối với QL279, điểm giao cắt ở chân đèo Hạ My, ngọn núi giáp ranh giữa huyện Sơn Động (Bắc Giang) với huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và nâng cấp tuyến đường nhánh Lục Nam (Bắc Giang), Đông Triều (Quảng Ninh).

Dự án tổng thể Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử được Bộ Xây dựng nhất trí, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dự án nằm trong không gian khu vực thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, gồm nhiều hạng mục công trình dịch vụ, khu nghỉ dưỡng sinh thái và các công trình tâm linh như: Chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Dự án với 2 hạng mục lớn đang khẩn trương thi công là: Hạng mục cáp treo do Cty CP dịch vụ Tây Yên Tử có năng lực về tài chính làm chủ đầu tư, tư vấn là Cty Nihon sekkei Nhật Bản, kinh phí đầu tư trên 223 tỷ đồng, với hệ thống thiết bị đồng bộ, nhập khẩu từ Cộng hòa Áo, công suất ban đầu 1.747 người/giờ, tương đương 45 cabin. Hệ thống cáp treo có độ dài trên 2.000m, gồm 2 nhà ga, 1 nhà ga gần với chùa Hạ và 1 nhà ga gần chùa Thượng. Trong đó, nhà ga gần chùa Thượng nằm ở độ cao 800m (thấp hơn chùa Đồng 268m), cách chùa Đồng 650m theo đường chim bay, 1.200m đường leo núi, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Dự án công trình tâm linh do Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Yên Tử trực tiếp làm Trưởng Ban. Hệ thống chùa chiền được quy hoạch xây dựng trên diện tích 17,2ha đất ở xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động và nằm ngoài phạm vi di tích danh thắng Yên Tử. Trong đó chùa Hạ, Tam Bảo sử dụng 1,13ha, chùa Thượng sử dụng 2,36ha, diện tích xây dựng 2.267m², còn lại là không gian cây xanh cảnh quan, đất dịch vụ và đất hạ tầng giao thông. Chùa thượng nằm ở độ cao 840m, thấp hơn chùa Đồng 228m, cách chùa Đồng khoảng 650m theo đường chim bay 1.200m đường rừng đã xây lắp được 90% khối lượng công trình. Các ngôi chùa tuy mới xây dựng nhưng đều nằm trên vị trí phế tích chùa tháp, am thờ cũ, cột kèo bằng gỗ, lợp ngói mũi, tượng thờ phụng dựng tương tự tượng Phật ở các ngôi chùa cổ đại. Kinh phí xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, do hội Phật giáo, doanh nghiệp và tấm lòng thành tâm xa gần hưng công đóng góp.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - GSV Travel

Tỉnh Bắc Giang xác định đầu tư xây dựng công trình ở Tây Yên Tử nằm ngoài phạm vi khoanh vùng bảo vệ của Khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử, Uông Bí và Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh). Chùa Hạ, chùa Thượng xây mới không nằm trong danh mục di tích, tuy không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Nhưng tỉnh vẫn chủ động xin ý kiến Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, được Bộ này nhất trí. Năm 2015, ba địa phương dưới chân Yên Tử đã thống nhất trình Chính phủ định danh “Quần thể di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại Quảng Ninh – Bắc Giang – Hải Dương” là một chuỗi kiến trúc công trình văn hóa, không đơn lẻ như trước. Không gian lập hồ sơ được điều chỉnh lại gồm 4 cụm di tích thuộc 3 tỉnh, cụ thể: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh); Khu Di tích lịch sử, văn hóa Thanh Mai – Côn Sơn – Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương); Khu di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang).

Như vậy là sườn Tây Yên Tử có chỗ đứng, con đường hoằng dương Phật pháp đặt lại đúng vị thế. Tỉnh Bắc Giang đón bắt thời cơ đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử; đồng thời đã chủ động gắn kết với Quảng Ninh bảo vệ, quản lý Khu di tích lịch sử và danh thắng quốc gia đặc biệt Yên Tử, tôn vinh giá trị văn hóa và khai thác nguồn lợi kinh tế phục vụ du khách du lịch Yên Tử 2 ngày.

Nhưng một thực tế đặt ra, sườn Tây Yên Tử có gồng mình đến mấy, nguồn lực so với sườn Đông Yên Tử cũng như một em bé đứng cạnh người khổng lồ và còn phải khai thông bao “nút thắt” trong hành trình kết nối Đông Tây Yên Tử. Sườn Tây Yên Tử cần có bàn tay “ bà đỡ” của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều miền xuôi cũng như miền ngược. An Châu, Sơn Động, căn cứ cách mạng nổi danh thời kháng chiến (Phủ Thông-Đèo Khách- An Châu-Lũng Vài) không thể vô lý tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm gần nửa dân số của huyện. Non thiêng Yên Tử, mái nhà chung thiền phái Trúc lâm, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhọc nhằn xây dựng các công trình tâm linh ở sườn Tây Yên Tử, đang cần tấm lòng hưng công xa gần. Con đường hoằng dương Phật pháp Tây Yên Tử “danh bất hư truyền” sẽ không còn ẩn tích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *