Vẻ đẹp dân dã mộc mạc của phố cổ Đồng Văn

phố cổ Đồng Văn - GSV Travel

Lên cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài thả hồn theo những sườn đồi bát ngát nương ngô của người Mông, ngắm hàng trăm vách núi tai bèo giữa đất trời Lũng Cú; đứng trên đỉnh núi Ma Lé nhìn xuống dòng Nho Quế và không thể không “đắm mình” đi giữa phố cổ Đồng Văn. Bởi đây không chỉ là điểm du lịch độc đáo nơi miền biên viễn, mà còn là cái nôi văn hóa đặc biệt cổ xưa nhất của người Mông ở địa đầu Tổ quốc.

Thị trấn Đồng Văn nằm trên cao nguyên đá ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mặt nước biển, cách TP Hà Giang 160km. Ở đây có khu phố và chợ cổ với lối kiến trúc độc đáo từ hàng trăm năm đã tôn lên vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm, luôn tạo nên sự khác biệt. Bên những mái nhà trầm mặc nằm dưới các ngọn núi trập trùng, du khách du lich Ha Giang 3 ngay 2 dem rảo bước trên con phố lặng lẽ uốn lượn quanh đường bình độ trên triền dốc cao, dưới ánh nắng chiều vàng ấm áp, như trút hết mệt mỏi sau khi vượt những cung đường hiểm trở từ Mèo Vạc đến thị trấn đặc biệt này.

phố cổ Đồng Văn - GSV Travel

Theo người dân ở đây kể lại, năm 1880 của thế kỷ 19, nơi phố cổ Đồng Văn bây giờ, ngày ấy là đồi núi trập trùng, quanh năm mây mù bao phủ. Giữa hàng trăm đỉnh núi nhọn hoắt, có một thung lũng nhỏ và một bãi đất thoai thoải theo sườn núi. Thấy được sự kỳ vĩ của núi đồi, người Pháp đã xẻ núi mở đường, xây những ngôi nhà bằng đá lấy từ núi đá tai bèo ép sát chân núi. Khi mới hình thành, đầu thế kỷ 20, khu phố cổ này chỉ có vài gia đình người Mông, Tày, Hoa sinh sống. Nghề nghiệp của họ chủ yếu là săn bắt, trồng bắp…

Trước đây phố cổ Đồng Văn thuộc địa danh xóm Tổng Đông Quan, xã Châu Nguyên Bình, huyện Phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang, nay thuộc thị trấn Đồng Văn huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng phố cổ Đồng Văn gần còn như nguyên vẹn về kiến trúc hạ tầng. Chỉ một số tuyến phố được làm mới để tiện giao thông đi lại và khách tham quan du lịch.

Phố cổ Đồng Văn mang đậm nét đặc trưng với tường nhà rất dày bằng đá, hàng cột lớn, nhà xây một hoặc hai tầng, mái lợp ngói trên những kết cấu vì kèo bằng gỗ chắc chắn. Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương. Riêng khu vực chợ Đồng Văn còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội.

Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức “Đêm phố cổ” vào các ngày 14, 15 và 16 âm lịch hàng tháng. Trong “Đêm phố cổ”, các hộ dân trong khu phố đồng loạt treo đèn lồng đỏ; đồng thời tổ chức một số hoạt động mang đậm bản sắc khác như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bày bán những món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch, giống như cách người phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã làm.

Nói đến phố cổ Đồng Văn không thể không nói đến chợ cổ Đồng Văn. Bởi đây chính là nơi lưu giữ dấu tích văn hóa cổ xưa nhất của người Mông và hầu như còn nguyên vẹn đến tận bây giờ. Khu chợ cổ Đồng Văn không rộng, chỉ gồm 3 dãy nhà xây một tầng được xếp hình chữ U. Trước đây, người dân phố cổ (chỉ khoảng 40 hộ) đều buôn bán ở đây. Chợ phiên Đồng Văn họp vào các ngày chủ nhật hàng tuần. Vì vậy, cứ các tối thứ bảy trước phiên chợ, từng đôi trai gái người Mông, Dao, Giáy… lại đưa nhau về đây dạo chơi, thổi khèn, uống rượu và hát múa; vào mùa đông khí hậu khắc nghiệt, từng nhóm thanh niên đốt lửa và quây quần bên ánh lửa bập bùng.

Chợ Đồng Văn không chỉ là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc trong vùng mà còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc giữa các vùng miền Tây Bắc. Mỗi lần tới phiên chợ, hàng trăm nam thanh nữ tú người Mông, Xuồng, Giáy xúng xính trong các bộ trang phục truyền thống xuống chợ chơi, kết bạn, mua sắm và trao đổi hàng hóa. Và đây cũng chính là nơi lưu giữ nét văn hóa cổ xưa nhất của người bản xứ nhìn ở lăng kính phát triển kinh tế. Bởi hầu như các dấu tích buôn bán của người Mông cổ từ thế kỷ 19 vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Đi giữa lòng phố cổ, hòa mình vào dòng người trong chợ cổ Đồng Văn khiến bao ưu phiền tan biến hết, chỉ còn đọng lại trong tâm hồn sự cuốn hút dân dã từ con phố, mái nhà đến lạ kỳ. Nhưng nếu không ngồi trong ngôi nhà cổ nhâm nhi ly cà phê giữa núi rừng thì mất đi một phần sự lãng mạn thăng hoa.

Hàng ngàn du khách tới đây đã thốt lên rằng, cà phê phố cổ ở thị trấn Đồng Văn đã níu chân tất cả những ai trót bước đến đây. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi quán cà phê ở miền biên viễn này không chỉ là điểm hẹn để du khách giao lưu văn hóa, mà còn như sự mời gọi những bước chân du khách du lịch Hà Giang hãy đến chợ cổ Đồng Văn và níu giữ chân họ chưa rời Đồng Văn, nếu chưa một lần nhâm nhi thưởng thức ly cà phê trên cao nguyên đá.

Có thể nói, trong nhiều địa danh du lịch mang đậm bản sắc văn hóa cổ xưa thì phố cổ và chợ Đồng Văn vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, chưa bị thương mại hóa. Vì thế, dù mùa đông hay mùa hè, dù thời tiết khắc nghiệt hay thuận lợi yên bình, phố cổ Đồng Văn vẫn luôn thu hút khách thập phương đến đây nghỉ dưỡng và ngắm cảnh.

Phố cổ Đồng Văn không quá lớn nhưng đủ rộng để chứa nhiều người và “rộng” hơn nữa là tình người, tình đời của những người “sống trong đá, chết vùi trong đá” bản xứ, khiến ai một lần đã đặt chân trên dải đất này đều muốn quay trở lại để thả hồn thênh thang trên cao nguyên đá kỳ vĩ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *