Nét cổ kính của làng lục Vạn Phúc

Làng lụa Vạn Phúc - GSV Travel

Làng lụa Vạn Phúc chính là phần cô đặc nhất của Làng lụa Hà Đông xưa, vốn rất nổi tiếng và đã đi vào thơ ca nhạc họa như một nét đẹp văn hóa truyền thống. Đây là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam, nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Xưa kia, dân cư còn thưa thớt, các sản phẩm lụa chủ yếu làm ra ở Vạn Phúc nhưng thường được gọi là Lụa Hà Đông để có địa giới rộng hơn, người ta dễ biết đến. Ngày nay, quận Hà Đông chia nhiều khu vực khác nhau, nên cái tên Lụa Vạn Phúc được sử dụng phổ biến hơn để cụ thể hóa địa danh xuất xứ.

Lịch sử làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)

Theo các thư tịch cổ, một số tài liệu và di vật cổ còn lưu giữ tại quận Hà Đông cho thấy, vùng đất Vạn Phúc được tạo lập từ năm 865 sau Công nguyên, và nghề dệt đã ra đời cách đây hơn 1.000 năm, vào khoảng thế kỷ 13, tiền đề hình thành nên làng lụa Vạn Phúc.

Làng lụa Vạn Phúc - GSV Travel

Tấp nập du lịch chùa Hương mùa lễ hội

Trải qua các giai đoạn phát triển, lụa Vạn Phúc dần khẳng định danh tiếng, từng được chọn để may trang phục triều đình và đặc biệt được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn, từ vua Khải Định đến vua Bảo Đại đều sai sứ thần ra tận làng lụa Vạn Phúc mua sa, gấm về dùng.

Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại hội chợ Marseille (1931) và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương. Từ 1958, lụa Vạn Phúc được xuất sang các nước Đông Âu. Từ 1990, mở rộng xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Làng lụa Vạn Phúc ngày nay

Ngày nay, làng lụa Vạn Phúc mang dáng vẻ khang trang với những cửa hàng mọc lên san sát, con phố lụa cứ dài ra mãi, tấp nập bước chân người mua kẻ bán. Nhưng làng vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính qua hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, và những phiên chợ chiều họp ở sân đình.

Làng lụa Vạn Phúc hiện có gần 800 hộ dân làm nghề, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại đây. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại. Ngoài công việc chính, họ còn tham gia làm du lịch, đón tiếp du khách đến tham quan làng nghề.

Làm nghề lâu năm, người dân làng lụa Vạn Phúc đã liên kết với nhau như một dây chuyền sản xuất, người vẽ hoa, người cung cấp tơ, người nhuộm, người se chỉ màu, người hồ sợi… Trong làng cũng đã hình thành một số doanh nghiệp có quy mô, nên các mặt hàng lụa cũng ngày thêm phong phú.

Đặc điểm lụa Vạn Phúc (Hà Đông)

Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc rất đa dạng về màu sắc, phong phú về chủng loại như: lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi… có tiếng là chất lượng bền đẹp, cho cảm giác mềm mại nhẹ nhàng, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Nhà thơ Nguyễn Sa đã phổ:

“ Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
  Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông ”

Trong các loại lụa Vạn Phúc cổ truyền, nổi tiếng nhất là lụa Vân mà tưởng chừng đã thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân bậc thầy. Đây là loại lụa đặc biệt, có hoa nổi bóng mịn trên mặt lụa, và hoa chìm thì chỉ thấy được khi ra chỗ sáng. Ca dao xưa nhắc đến:

“The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn ”

Hơn nữa, hoa văn trang trí trên lụa Vạn Phúc được chăm chút rất tỉ mỉ và tuân theo thủ pháp nghệ thuật truyền thống như trang trí đối xứng, đường nét không rườm rà, phức tạp mà phóng khoáng, dứt khoát. Có thể nói, các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc đã đạt đến độ hoàn mỹ.

Nghề dệt ở làng lụa Vạn Phúc

Để làm nên những sản phẩm tơ lụa đặc sắc, người thợ ở làng lụa Vạn Phúc phải thực hiện một quy trình sản xuất công phu bao gồm nhiều khâu như: tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi… Ngay từ khâu tơ, người thợ không chỉ quấn sợi vào ống đơn thuần mà còn phải chọn sợi, đẽo sợi để đảm bảo sợi tơ có màu trắng, bóng nhẵn, không sùi lông, trị số tơ phải đều, sau đó mắc sợi, lựa chọn riêng sợi dọc, sợi ngang.

Sợi sau khi tơ phải đem hồ. Việc hồ sợi chỉ thực hiện với loại sợi dọc và đòi hỏi kỹ thuật cao. Người thợ phải pha thêm sáp ong vào hồ để hồ sợi, đồng thời sử dụng bí quyết riêng để làm cho sợi sau khi hồ vừa dẻo, vừa dai, vừa bóng.

Những kỷ niệm du lịch Tràng An Bái Đính

Hồ tơ xong thì dùng khung cửi để dệt. Nếu dệt lụa trơn thì dùng 2 loại go thẳng và go vòng. Go thẳng để dệt lụa mỏng mịn, còn go vòng dệt lụa có chấm thủng. Dệt hoa cũng có thao tác như dệt trơn nhưng khác ở chỗ trước khi dệt cần phải vẽ trước kiểu hoa lên giấy. Thợ dệt đặt mẫu lên bàn khâu hoa rồi một người dệt chính, một người cài hoa phụ. Dân gian gọi dệt hoa là dệt kép để phân biệt với cách dệt đơn khi làm lụa trơn.

Ở khâu nhuộm thì không phải loại lụa nào cũng đem nhuộm mà có loại để trắng tinh khiết, ngả màu vàng ngà như lụa nõn. Có loại được nhuộm màu ngay từ khâu sợi như gấm, vóc nhưng có loại như lĩnh, the chỉ nhuộm khi đã dệt xong…

Người thợ làng lụa Vạn Phúc còn đòi hỏi phải khéo léo và điêu luyện, để hoàn thiện trang trí hoa văn trên lụa một cách tinh xảo. Họ sử dụng những đề tài trang trí từ nghệ thuật truyền thống rồi sáng tạo thêm để thích ứng với từng chất liệu dệt, như Ngũ Phúc (năm con dơi quanh chữ Thọ), Long Vân (rồng và mây), Thọ Đỉnh (lư hương và chữ Thọ), Quần Ngư Vọng Nguyệt (đàn cò trông trăng), Hoa Lộc (bông hoa trên chồi biếc)… và cho ra đời những sản phẩm đẹp mắt.

Với thương hiệu nổi tiếng và nghề truyền thống lâu đời, một chuyến du lịch làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều thú vị . Đến đây, du khách vừa có dịp mua sắm các sản phẩm lụa chính hiệu, vừa được dịp quan sát quy trình làm ra tấm lụa của các nghệ nhân tài hoa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *