Người phụ nữ tình nguyện chăm sóc hai mẹ con hàng xóm suốt nhiều năm

[ad_1]

Xuất phát từ sự cảm thông cùng tấm lòng nhân ái không ngại khổ cực, chị Oanh đã sẵn sàng giúp đỡ, chăm sóc mẹ con nhà hàng xóm như chính những người ruột thịt.

Đó như là câu chuyện cổ tích giữa đời thường khiến nhiều người cảm động, thán phục.

Hoàn cảnh éo le bươn chải với đời

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Oanh (SN 1959) dường như đã trở nên quá quen thuộc với những người dân sống trong ngõ 12, khu phố Bắc Thành, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Người ta vẫn thường nhắc đến chị như một người phụ nữ kiên cường, nghị lực và có tấm lòng nhân ái đáng nể phục.

Chị Oanh từng có một gia đình hạnh phúc với người chồng và đứa con ngoan ngoãn, thông minh. Cuộc sống tuy vất vả nhưng vợ chồng, con cái luôn yêu thương nhau, gia đình luôn đầy ắp tiếng cười và sự quan tâm. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn ngủi bị cắt ngang, dang dở khi chồng chị đang khỏe mạnh bỗng đổ bệnh phải điều trị dài ngày trong bệnh viện.

Chị Oanh chia sẻ với phóng viên về hòan cảnh của hai mẹ con bà Nhung để mong muốn sự giúp đỡ

157462

Dù bị sốc và đau buồn rất nhiều nhưng chị Oanh vẫn chăm sóc, lo toan chu đáo cho chồng, mong ngày anh về đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, dù được cứu chữa, chăm sóc tận tình, chồng chị vẫn ra đi để lại nỗi đau đớn vô hạn cho người thân. Suy sụp, mất phương hướng, nhưng vì con, vì chính mình, chị Oanh gượng dậy và tiếp tục sống.

Đúng là chẳng ai có thể hiểu được nỗi đau mà tôi phải trải qua khi đó cả. Tưởng như mọi thứ sụp đổ và tan nát hết cả. Nhìn đứa con ngơ ngác chưa kịp hiểu tai họa đến với gia đình mà lòng tôi thắt lại”, chị Oanh ngậm ngùi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.

Khoảng thời gian dài chữa bệnh cho chồng, chị Oanh vay không biết bao nhiêu tiền nặng lãi. Chồng mất, chị phải gánh trên vai trách nhiệm nuôi con nên người, đồng thời phải làm thuê, làm mướn, chắt chiu từng đồng để trả nợ.

Phải vất vả lắm, chị Oanh mới xin được vào một cơ quan để nấu cơm thuê. Công việc tuy không mệt nhọc nhưng thu nhập lại chẳng được bao nhiêu. Với số tiền ấy, chị chẳng đủ nuôi mình, nuôi con chứ chưa nói gì đến việc trả nợ. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, chị Oanh nhận thêm công việc may vá, rửa bát, lao công để làm kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Với hàng trăm nỗi khó khăn, đôi lúc chị tưởng như mình không đủ sức để vượt qua số phận. Thế nhưng, vì đứa con ngày một lớn khôn, chị Oanh đã cắn răng chịu đựng tất cả. Hai mẹ con bao bọc, động viên nhau cùng sống tốt.

Giúp đỡ người dưng bằng cả tấm chân tình

Có lẽ ở khu phố này, hoàn cảnh của chị Oanh không phải là trường hợp duy nhất lâm vào cảnh khó khăn chồng chất, bất hạnh chồng bất hạnh. Cũng chịu không ít những nỗi đau, bi kịch như chị Oanh là người hàng xóm của chị, gia đình bà Đoàn Thị Nhung.

Di chứng của bệnh tiểu đường đã khiến bà Nhung bị bại liệt, mù 2 mắt, điếc tai và có dấu hiệu của bệnh động kinh lúc tỉnh lúc mê.

157460

Bà Nhung có cậu con trai lớn tên là Cò (sinh năm 1972) chẳng may bị tật nguyền từ nhỏ, không có khả năng đi lại và sinh hoạt cá nhân. Bà Nhung cũng mất chồng từ sớm và một thân một mình lặn lội nuôi đứa con nhỏ tật nguyền. Bất hạnh thay, ông trời không để cho bà được làm tròn trách nhiệm, được nuôi con như bao người mẹ khác. Năm 2009, trong một lần đi làm, bà Nhung gặp tai nạn giao thông phải cưa mất một chân để giữ tính mạng.

Chẳng bao lâu sau, bà Nhung lại bị mù hai mắt do biến chứng của bệnh tiểu đường. Đến khi ấy, việc lo cho bản thân còn khó chứ đừng nói đến lao động kiếm tiền và chăm sóc con trai tật nguyền. Hai mẹ con bà Nhung chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp thương tật của nhà nước để sống qua ngày. Vào thời điểm đó, số tiền hàng tháng mà hai mẹ con bà Nhung nhận được chỉ vỏn vẹn 400 ngàn đồng (hiện nay là 1 triệu đồng).

Có những hôm mò mẫm cơm nước chăm con, bà Nhung ngã nháo nhào giữa sân. Những lúc ấy, bà bấm chặt môi mà khóc, khóc thương cho mình, thương cho con vì không biết kêu ai, cầu cứu ai.

Bà Nhung nghẹn ngào nói: “Khổ lắm cô chú ạ, trên đời chắc không còn ai khổ hơn mẹ con tôi nữa. Trời đã bắt tội con tôi tật nguyền lại bắt cả tôi què quặt, mù lòa nữa. Nhiều lúc nghĩ chỉ muốn chết đi cho rồi nhưng nghĩ đến con lại phải sống. Sống mà chẳng biết đến ngày mai ra sao?”.

Tình cờ, một hôm đi làm về, chị Oanh đi ngang qua nhà hàng xóm thì thấy cảnh bà Nhung đang dờ dẫm lọ mọ nấu cơm. Thương xót khi chứng kiến bà Nhung ngã bất lực trước sân giếng, chị Oanh không ngần ngại chạy vào giúp đỡ. Rồi chị Oanh như nhìn thấy chính nỗi cô đơn, bất hạnh của mình ở gia đình hàng xóm này nên đã quyết định giúp đỡ mẹ con bà Nhung mặc cho những vất vả phía trước.

Hàng ngày, chị Oanh đều thu xếp công việc để sang nhà hàng xóm dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước cho hai mẹ con bà Nhung. Thậm chí, thương hai mẹ con đều bị tật nguyền, chị Oanh còn trực tiếp tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân cho hai mẹ con bà. Đến bữa ăn, chị Oanh kiên nhẫn xúc từng thìa cơm cho anh Cò ăn, tận tụy, cẩn thận như chăm sóc cho chính con cháu của mình. Nhiều hôm chăm lo cho hai mẹ con bà Nhung xong, chị lại tất tả đi làm ngay đến nỗi quên cả bữa ăn.

Chị Oanh chăm sóc anh Cò như chăm sóc một người ruột thịt

157459

Ban đầu, nhiều người thấy chị Oanh giúp đỡ bà Nhung quá nhiệt tình thì nghi ngờ lòng tốt của chị nhưng rồi ai nấy đều hiểu tấm lòng đó xuất phát từ sự đồng cảm của những số phận bất hạnh. Chị Oanh chia sẻ: “Lúc đầu, có người bảo tôi rảnh việc, thân mình còn lo không xong còn bày vẽ lo người khác. Nhưng ai nói thì mặc người ta, tôi chỉ làm theo bản năng và tấm lòng của mình thôi. Giúp người cũng như giúp mình. Đúng là mỗi người đều có cuộc sống riêng nhưng khi bất hạnh ập đến thì đều đau như nhau cả.”

Chị Oanh làm việc, giúp đỡ gia đình bà Nhung bằng cả tấm chân tình và sự cảm thông sâu sắc. Nhìn những cử chỉ, hành động săn sóc tận tụy của chị Oanh dành cho mẹ con nhà hàng xóm, nhiều người cứ ngỡ chị Oanh là con cháu trong nhà bà Nhung.

Đã nhiều năm trôi qua, chị Oanh làm công việc đó như một thói quen và trách nhiệm của chính mình mà không một lời than phiền hay đòi hỏi gì. Nó như trở thành một công việc không thể thiếu đối với chị. “Tôi chỉ bớt đi giấc ngủ trưa, một lát nghỉ ngơi mà giúp được hai người được sống vui vẻ, an nhàn hơn thì tại sao lại phải tiếc, phải tính toán. Tình làng, nghĩa xóm cần nhau nhất là những lúc khó khăn như thế này mà. Tôi chỉ mong công việc của mình thuận lợi, được khỏe mạnh để có thể giúp được mẹ con bà Nhung nhiều hơn, đỡ cơ cực hơn”, chị Oanh chia sẻ.

Việc làm của chị Oanh đã khiến nhiều người cảm động và khâm  phục. Có người thừa nhận rằng, nếu họ là chị Oanh, chắc họ không thể có đủ nghị lực và tấm lòng để làm những điều tuyệt vời đó.

Bà Nhung nắm tay chị Oanh nghẹn ngào nói: “Tôi không biết nói thế nào để cảm ơn cho hết người hàng xóm tốt bụng này nữa. Nếu không có cô ấy giúp đỡ, có lẽ mẹ con tôi đã không được như ngày hôm nay. Chẳng biết bao giờ tôi và con trai mới có thể trả được món nợ ân tình này với chị ấy”.

Theo tintuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *