Chuyện những F0 “gánh team” làm việc online tại nhà: Cơ quan toàn F0, mệt rũ người nhưng vẫn phải cố vì sợ phòng ban “nguy cấp”

f0 gánh team làm online

Nhiều F0 dù mệt mỏi vì bị Covid-19 “hành hạ” nhưng vẫn “gánh team” làm việc trong bối cảnh cơ quan toàn F0, tránh ảnh hưởng đến tập thể và chất lượng công việc.

F0 “gồng gánh” làm việc online tại nhà

Chưa bao giờ anh Phạm Thế Dương, 30 tuổi, nhân viên văn phòng, trú quận Đống Đa, Hà Nội cảm thấy xung quanh mình, nhiều đồng nghiệp và người thân lần lượt mắc Covid-19 như hiện tại. Trong bối cảnh mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 25.000 ca mắc mới khiến tâm lý của nhiều người là chờ đến lượt mình.

Anh Dương phát hiện mắc Covid-19 hôm 7/2 sau 3 ngày tiếp xúc gần với F0. Anh có gần như mọi triệu chứng bệnh từ mệt mỏi, ngạt mũi, mất vị giác và khứu giác, đến gai người, ớn lạnh, nhiều đờm và hắt xì rất nhiều.

Khi được cơ quan “công nhận là F0” do có giấy xét nghiệm PCR, nam nhân viên nghỉ làm, tự cách ly và điều trị tại nhà. Cũng từ ngày đó, anh được mời vào “nhóm F0-F1” của cơ quan để tiện theo dõi tình hình sức khỏe và báo cáo công việc hàng ngày.

Trong 2 ngày đầu tiên, cơ thể yếu và mệt, anh Dương được tạo điều kiện nghỉ ngơi hoàn toàn. Sang ngày tiếp theo, trưởng phòng nhắn tin, bên cạnh việc hỏi han sức khỏe, có đề nghị anh tiếp tục làm việc online tại nhà “vì phòng đã hết người”. Thời điểm đó, cơ quan anh có 30 nhân viên đều là F0.

“Do mỗi người phụ trách một mảng chuyên biệt, đặc thù khối lượng công việc lại rất lớn, nên nếu tôi nghỉ quá lâu, sẽ không có ai làm thay, ảnh hưởng công việc chung của cơ quan”, anh Dương kể.

Vị trưởng phòng than vãn với nam nhân viên, “biết em mệt, nhưng lúc này neo người quá, anh vẫn phải trưng dụng em. Nếu không, phòng ban sẽ rất nguy cấp”. Thế là từ ngày thứ 3 của bệnh, anh Dương bắt đầu quay lại guồng quay công việc, với hi vọng không ảnh hưởng thành tích của các đồng nghiệp.

Hai ngày sau, tưởng đã qua giai đoạn khó khăn nhất của Covid-19, cơ thể anh Dương bắt đầu “chống đối”. Không chỉ mệt mỏi, tinh thần anh uể oải, nhiều lúc chỉ muốn thiếp đi vì quá mệt. Tuy nhiên, do không ai làm thay, nên “việc đến tay thì vẫn phải làm”.

Anh Dương cho biết, mỗi tuần cơ quan sẽ họp toàn thể nhân sự vào sáng thứ 2 để tổng kết công việc tuần trước và triển khai công việc cho tuần mới. Đây là một trong những cuộc họp rất áp lực vì phải chỉ ra phòng ban làm tốt và phòng ban chưa tốt.

“Nếu 2 hoặc 3 tuần liên tiếp chất lượng công việc sụt giảm, chỉ số làm việc giảm thì cá nhân và phòng ban đó sẽ bị phạt tiền hoặc phê bình. Cứ như vậy, dù là F0 thì cũng nhìn người khoẻ mà làm việc, tránh ảnh hưởng đến tập thể”, nam nhân viên nói.

Dù phải làm việc trong trạng thái bị những cơn ho, sốt liên tục hành hạ, nhưng anh Dương không được cơ quan hỗ trợ vật chất hay chi phí điều trị. Mọi thứ từ thuốc men, thực phẩm hay tiền xét nghiệm, anh đều phải tự túc. Chỉ tính riêng 3 lần xét nghiệm PCR, nam thanh niên cũng mất gần 1,5 triệu đồng.

Ngoài ra, do nghỉ 10 ngày chế độ F0 và 7 ngày được yêu cầu ở nhà thêm nên anh Dương không được hưởng lương, chỉ “ăn” theo sản lượng công việc. Điều anh lo lắng nhất, là ngày 10/3 tới đây, sẽ được nhận khoản lương bao nhiêu, liệu có đủ chi tiền nhà, tiền sinh hoạt hay không?

“Tôi chấp nhận tháng này chắt bóp chi tiêu, chờ tháng sau đủ ngày công, hi vọng khấm khá hơn”, anh than thở mắc Covid-19 thực sự là một trải nghiệm khủng khiếp, không chỉ “tiền mất, tật mang” mà những di chứng hậu Covid-19 cũng rất đáng sợ.

f0 gánh team làm online

Nhiều F0 dù mệt mỏi nhưng vẫn làm việc online tại nhà (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Minh Ngọc (tên nhân vật đã thay đổi), 27 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là nhân viên văn phòng phải làm việc online trong suốt thời gian mắc Covid-19.

Trước khi khởi phát bệnh, chị sốt và ho nhẹ, nhưng chỉ nghĩ cảm lạnh thông thường vì những ngày tháng 2, Hà Nội trải qua nhiều đợt không khí lạnh tăng cường. Sáng 23/2, chị đến văn phòng xử lý công việc như mọi ngày. Cảm nhận cơ thể mệt mỏi, chị test nhanh, bất ngờ khi que test lên 2 vạch, vạch T rất đậm.

Thông báo với sếp, nữ nhân viên được về nhà tự cách ly và điều trị. Việc đầu tiên không phải mua đồ ăn, thức uống hay thuốc men, thiết bị y tế, chị Ngọc nhanh chóng dán miếng hạ sốt lên trán, hì hục hoàn thành công việc mà sáng đó đã nhận.

Tối hôm đấy, chị kịp deadline, tiếp tục trao đổi với sếp đến tận 12h đêm mới nhận ra chưa kịp chuẩn bị bất cứ thứ gì để “chiến đấu” với Covid-19. Sếp hỏi “có mệt không?”. Chị nói dối, thế là… nhận công việc “căng não” thứ hai.

“Dù đau rát họng, nhưng tôi vẫn gân cổ gọi điện cho khách hàng. Đầu đau như búa bổ, tôi cố gắng giữ tinh thần làm việc, nói với khách ’em là F0 rồi, mong được thông cảm'”, hai ngày đầu của bệnh, chị Ngọc chỉ ăn nốt những đồ ăn, thức uống có trong nhà. Sang ngày thứ 3, chị nhờ người thân mua thực phẩm, thuốc men và bắt đầu trị bệnh theo triệu chứng. Dù mệt và buồn ngủ, nhưng mỗi ngày, nữ nhân viên văn phòng vẫn báo cáo công việc đều đặn 8h sáng, cố gắng làm 15 tiếng như ngày chưa mắc bệnh.

“Tôi vẫn làm việc như bình thường, chỉ khác là chuyển địa điểm từ cơ quan về nhà”, chị Ngọc cười.

Trước Tết, cơ quan chị có 10-20 nhân viên mắc Covid-19, được công đoàn hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi người. Với hi vọng có được khoản tiền này, chị Ngọc nỗ lực liên hệ với trạm y tế phường trong bối cảnh Hà Nội gia tăng F0 “chóng mặt”. Sau hàng chục cuộc điện thoại, chị cũng được phường “công nhận là F0” và nhận quyết định cách ly, điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, khi liên hệ với công đoàn, chị “ngã ngửa” được biết “do công ty hiện quá nhiều F0 nên đã cắt khoản hỗ trợ này, chỉ còn khoản tiền từ Bảo hiểm xã hội”.

“Tôi rất suy sụp”, chị nói đã không được công ty hỗ trợ, lại nghỉ 7 ngày, lo lắng cuối tháng thu nhập bị sụt giảm. Không những thế, 3 ngày đầu ở nhà, chị đã tiêu hết 2 triệu đồng vào đồ ăn, thuốc men, bộ kit test nhanh. Không còn cách nào khác, chị gồng lên làm việc, “được đồng nào hay đồng đó”.

Ở nhà nhiều ngày, chị sử dụng điện nhiều hơn, chủ yếu để xông, nấu ăn và đun nước ấm. Những tháng trước, tổng số điện chỉ 50, nhưng tháng này, công tơ điện nhảy lên 100, tính ra hết 400.000 đồng.

Đến ngày thứ 7, dù vẫn còn mệt, nhưng chị Ngọc test nhanh đã âm tính trở lại. Chị cố gắng ra trạm y tế phường xin giấy chứng nhận khỏi bệnh để làm hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội. Những ngày này, trạm y tế luôn trong tình cảnh đông đúc và quá tải.

“Tôi được cơ quan cho nghỉ thêm 2 ngày, sau đó sẽ đi công tác xa vì phòng ban không còn người, các nhân viên khác đều đã mắc Covid-19. Dù thể trạng không cho phép, nhưng vì thiếu người, kế hoạch lại lên từ trước, tôi vẫn nhận việc”, chị nói.

f0 gánh team làm online

Ngày 23/2, chị Ngọc xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đến ngày 2/3 thì âm tính trở lại (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đề xuất cho các F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly

Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5/3, Bộ Y tế đề xuất cho F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly.

Theo đó, F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (7 ngày từ ngày dương tính và chưa âm tính), được tự nguyện tham gia làm việc. Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí cho F0 làm việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

Hoặc F0 có thể tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tuân thủ 5K.

Đối với F0 làm việc tại các cơ sở điều trị Covid-19 phải có biện pháp phòng hộ, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2. F0 không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, F0 không được tiếp xúc với người xung quanh; tuân thủ 5K, đặc biệt đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

f0 gánh team làm online

Bộ Y tế đề xuất cho các F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly

Đối với F1 chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

F1 cũng được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, F1 không được tiếp xúc với người xung quanh; tuân thủ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

F1 phải test nhanh kháng nguyên hay PCR vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế theo quy định.

Bộ Y tế cũng xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho phép tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang. Theo Bộ, số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi Covid-19 là “bệnh lưu hành” hay như một số chuyên gia gọi là “bệnh đặc hữu” khi thời điểm thích hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *